Doanh nhân Nguyễn Phú Trường Sơn: Trở thành triệu phú USD nhờ bán bảo hiểm và buôn đất

08:00 29/03/2023

Năm 2012, ông Nguyễn Phú Trường Sơn vẫn còn là một giáo viên nghèo dạy môn văn ở một trường cấp ba tại quận 10, TP.HCM. Thế nhưng 10 năm sau, ông đã bước qua ngưỡng triệu phú USD nhờ hành trình bán bảo hiểm nhân thọ và đầu tư bất động sản.

Theo đuổi sự trung thực và chuyên nghiệp  

Xuất thân trong một gia đình khó khăn ở Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Trường Sơn (sinh năm 1979) vào Sài Gòn lập nghiệp với hành trang là bầu kiến thức của một giáo viên dạy môn văn học. Đồng lương khiêm tốn của đời giáo viên cùng áp lực ngạt thở của cuộc sống phố thị buộc ông phải tìm lối đi mới. Sau nhiều năm nghiên cứu về cuộc sống của những người thành công và tự học đầu tư, ông quyết tâm đổi nghề. Năm 2012, ông chính thức đi bán bảo hiểm nhân thọ với suy nghĩ rằng, muốn kiếm tiền phải đến nơi có nhiều tiền. 

Khi bước vào nghề bảo hiểm, ông Sơn học lên bậc thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh. Luận văn tốt nghiệp mang tên “Chiến lược kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam” của ông được trường Huflit đánh giá hạng xuất sắc. Cũng trong thời gian đi sâu tìm hiểu ngành bảo hiểm, ông Sơn được truyền cảm hứng từ lời khuyên của ông “Vua thép” người Mỹ - Andrew Carnegie và gắn bó với nghề suốt 10 năm sau đó. Andrew Carnegie khuyên người trẻ tuổi nên mua bảo hiểm nhân thọ để hình thành tính tiết kiệm có kỉ luật – vốn là nền tảng của quá trình làm giàu. Khi người ta gặp khó khăn trong cuộc sống, nhờ có bảo hiểm nhân thọ mà họ vẫn có được sự bình an trong tâm trí và thanh thản trong tâm hồn.   

Trong suốt 10 năm tròn làm ngành bảo hiểm nhân thọ, cho đến đầu năm 2022, ông Sơn đã bán được hàng chục ngàn sản phẩm bằng nguyên tắc “trung thực và chuyên nghiệp”. Theo đó, tỉ lệ bán hàng thành công trung bình của ông luôn ở khoảng 60%. Ngoài kĩ năng nghề nghiệp, tỉ lệ thành công cao còn đến từ cách bán hàng độc đáo của riêng ông. 

Cho đến đầu năm 2022, ông Sơn đã bán được hàng chục ngàn sản phẩm bằng nguyên tắc “trung thực và chuyên nghiệp”.
Cho đến đầu năm 2022, ông Sơn đã bán được hàng chục ngàn sản phẩm bằng nguyên tắc “trung thực và chuyên nghiệp”.

Thay vì bán gián tiếp (tư vấn cho khách hàng mà công ty cung cấp danh sách), ông Sơn chọn cách tự tìm khách hàng ở những thị trường mới. Tại những nơi người dân chưa tham gia bảo hiểm nhiều, ông thường tổ chức hội thảo để giới thiệu về sản phẩm. Bằng cách nhờ người đứng đầu địa phương mời người tham dự, mỗi hội thảo của ông Sơn thu hút 200-300 người và tỉ lệ bán thành công khoảng 70%. “Có lần, tôi thuê một khách hàng (được bảo hiểm chi trả sau khi vợ qua đời) đi cùng tôi để chia sẻ lý do mua bảo hiểm. Chỉ hơn 1 tuần đi qua 10 xã của một huyện miền Tây, tôi thu về doanh thu gần 5 tỷ đồng, tỉ lệ thành công là 50% - con số mơ ước của những người bán bảo hiểm nhân thọ”, ông kể.

Theo ông Sơn, khi mua hàng, người dân thường dựa vào tình cảm. Khách hàng chỉ xem việc mua bảo hiểm như gởi tiết kiệm, họ ít quan tâm và cũng không được nhắc nhiều về tính năng của bảo hiểm. Và khi có sự cố bảo hiểm xảy ra, nhân viên bán bảo hiểm sẽ mất đi mối quan hệ đó.

Do đó, trong quá trình bán hàng và đào tạo cho nhân viên công ty, ông Sơn luôn khuyên không nên “bán đi mối quan hệ của mình”. Thay vào đó, để thành công trong ngành này, người bán hàng phải trung thực và chuyên nghiệp. Theo ông, chuyên nghiệp không phải là khéo ăn khéo nói mà phải nắm chắc về quyền lợi bảo hiểm và điều kiện chi trả. “Khi nhân viên giúp khách hàng hiểu rõ hai điều này, sẽ không còn tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Để sống được với nghề, nhân viên cũng không còn phải bán đi các mối quan hệ của mình nữa”, ông chia sẻ.

Ngành bảo hiểm nhân thọ đã phát triển qua hơn hai thập kỷ ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay chất lượng sản phẩm đã tăng lên, tiêu chuẩn đầu vào cũng được nâng cao, nhưng mặt tối của ngành vẫn còn khá nhiều. Chẳng hạn, để cạnh tranh, các công ty bảo hiểm tuyển nhân sự ồ ạt và đặt ra chỉ tiêu công việc khá cao. Điều này cộng với cám dỗ thu nhập cao, khiến nhiều nhân viên bỏ qua giai đoạn tìm hiểu kĩ về sản phẩm mà vội vã đi bán hàng ngay để kiếm tiền. Thực tế này khiến người mua biết đến bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn ở góc nhìn phiến diện. Hệ quả là tỉ lệ từ chối của khách hàng hiện nay đang rất cao. “Thực ra, khách hàng không quay lưng với bảo hiểm, họ chỉ từ chối những người bán bảo hiểm mà thôi”, ông Sơn lý giải.

Cũng chính vì vậy, ông Sơn cho rằng người bán phải luôn ghi nhớ hai yếu tố là trung thực và chuyên nghiệp. Quan trọng hơn, người bán phải ý thức được rằng, mình có thể giữ được cam kết chăm sóc tốt cho khách hàng hay không. Bởi nếu bán trực tiếp, nhân viên phải chăm sóc khách hàng liên tục trong suốt thời gian hợp đồng (3-10 năm). Nếu không đủ đam mê thì hãy chọn cách bán hàng gián tiếp và giao lại khâu chăm sóc cho bộ phận khác trong công ty đảm nhiệm. Đừng vì ham thu nhập cao mà bỏ rơi khách hàng của mình.

Trở thành triệu phú USD nhờ bán bảo hiểm và buôn đất

Ông Sơn tâm sự, những người thành công dạy rất nhiều cách để làm giàu. Chẳng hạn như trúng số, đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản hoặc mua bán hàng hóa… Tuy nhiên, với xuất phát điểm là không có người đỡ đầu, ông Sơn phải đi từ điểm thấp nhất là tiết kiệm, sau đó mới có nguồn lực để đầu tư hay mua bán.

Năm 2012, lúc mới vào nghề, thu nhập của nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ mới vẫn chưa đủ giúp ông dành ra một khoản tiết kiệm nào. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực làm việc và không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết, ông Sơn được đề bạt làm giám đốc kinh doanh khu vực TP.HCM rồi khu vực Tây Nam Bộ (Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential). Thu nhập cũng tăng theo, đạt mức hơn 3 lần thu nhập cũ chỉ sau một năm. Nhờ đó, ông Sơn có nguồn tiết kiệm để đi đầu tư.

Năm 2013, khi thu nhập chính thức tăng nhiều lần, ông Sơn nghĩ ngay đến chuyện đầu tư. Sẵn gia đình ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) còn miếng đất trống, ông lên kế hoạch xây nhà trọ cho công nhân thuê. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc bảo hiểm dù cao cũng không nhiều đến mức giúp ông làm nhiều việc cùng lúc. Vậy là ông quyết định làm theo kiểu “cuốn chiếu”, có đến đâu làm đến đấy. Tổng mức đầu tư là 1 tỷ đồng nhưng trong túi chỉ có… 50 triệu đồng, ông chạy vạy mượn tiền người thân và bạn bè mỗi nơi một chút. “Đến cuối năm 2015 tôi mới trả hết số nợ này. Tôi thấy mình thật may vì còn có nhiều người chịu cho mình mượn tiền”, ông hào hứng kể.

Với xuất phát điểm không có người đỡ đầu, ông Sơn phải đi từ điểm thấp nhất là tiết kiệm, sau đó mới có nguồn lực để đầu tư hay mua bán.
Với xuất phát điểm không có người đỡ đầu, ông Sơn phải đi từ điểm thấp nhất là tiết kiệm, sau đó mới có nguồn lực để đầu tư hay mua bán.

Đến đầu năm 2016, khi nợ cũ trả xong và khu nhà trọ cho thuê mang về dòng tiền ổn định, ông Sơn gom góp vốn liếng đi đầu tư đất nền. Ông cho biết, đất là sản phẩm có khả năng sinh lời cao hơn các kênh khác và cũng là xu hướng đầu tư khi đó. Ngoài ra, các chủ đất cho thanh toán bằng nhiều đợt nên thích hợp với những người ít vốn như ông.

Ban đầu, ông mua 3 lô đất thuộc dự án khu dân cư ở Nhơn Trạch, một lô giá 350 triệu đồng (thanh toán trong 36 tháng) và hai lô khác giá 200 triệu đồng mỗi lô. Tiền mua đất chính là số tiền vay ngân hàng được thế chấp bằng khu nhà trọ. 3 năm sau, ông Sơn bán hết cả 3 lô đất khi giá đã tăng gấp đôi và thu về khoản lãi không bị sứt mẻ gì. Bởi lãi vay ngân hàng đã được ông Sơn cân đối bằng tiền cho thuê nhà trọ. Tính ra mỗi năm lãi được cỡ 200 triệu, không cao lắm so với thu nhập từ việc bán bảo hiểm của ông. Nhưng đó là những viên gạch đầu tiên trong hành trình làm giàu bằng tiết kiệm và đầu tư của ông Sơn.

Cũng bằng cách đầu tư trên, năm 2019, ông Sơn tiếp tục mua tiếp 3 lô đất (gồm 2 lô đất nền ở Bà Rịa và một lô ở Hồ Tràm), tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Do là đất thuộc dự án du lịch và được săn đón khá nhiều, sau hai năm thì giá đã tăng gấp đôi. Số vốn từ đó cứ tăng dần theo những thương vụ đầu tư được ông Sơn nghiên cứu kĩ lưỡng và có phần may mắn.

Đầu năm 2022, ông Sơn dừng công việc bảo hiểm để tập trung phát triển công ty riêng. Công ty TNHH Nhân Lực Việt đào tạo các chủ đề về quản trị doanh nghiệp, giảng viên đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Các buổi đào tạo đông người tham dự nhất mà ông Sơn từng giảng dạy vẫn đến từ ngành bảo hiểm, cao nhất là gần 1.000 người tham dự.

Ông Sơn đào tạo kĩ năng giảng dạy và truyền đạt cho đội ngũ lãnh đạo Công Ty TNHH MTV Shinso năm 2021
Ông Sơn đào tạo kĩ năng giảng dạy và truyền đạt cho đội ngũ lãnh đạo Công Ty TNHH MTV Shinso năm 2021.

Ngoài các khóa đào tạo định kỳ, ông Sơn và đội ngũ cũng triển khai các chương trình đào tạo đi kèm giám sát thực thi. Vị doanh nhân này cho biết, khách hàng của Nhân Lực Việt yêu cầu khóa đào tạo này đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề chính của nhóm doanh nghiệp này là nghe theo nhiều đơn vị tư vấn “thích vẽ”, đầu tư quá nhiều nguồn lực cho các hoạt động phụ như marketing hoặc truyền thông… “Đa số họ đều có sản phẩm tốt nhưng chưa chú trọng đầu tư cho khâu bán hàng. Sau khoảng 3-6 tháng chúng tôi sắp xếp và đào tạo lại, doanh thu các công ty này đều tăng trưởng ổn định”, ông Sơn chia sẻ.

CEO Nhân Lực Việt cho biết, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có sản phẩm tốt nhưng chưa chú trọng đầu tư cho khâu bán hàng.
CEO Nhân Lực Việt cho biết, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có sản phẩm tốt nhưng chưa chú trọng đầu tư cho khâu bán hàng.

Hiện tại, có khoảng 97% số doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc quy mô vừa và nhỏ (SME). Do đó, ông Sơn cho rằng tiềm năng của thị trường này là rất lớn. Mặc dù thị trường có khá nhiều đơn vị chuyên đào tạo cho doanh nghiệp, nhưng theo ông Sơn, số đơn vị đào tạo chuyên sâu chưa nhiều. “Phần lớn các đơn vị đào tạo hiện nay hướng đến việc cung cấp phần mềm chuyên dụng, tư vấn chuyển đổi số hoặc đào tạo chuyên sâu (quản trị hoặc bán hàng) thì phí rất cao. Do đó, tôi cho rằng hoạt động đào tạo chuyên sâu đi kèm giám sát thực thi còn rất nhiều khoảng trống để phát triển. Hiện tại, tỉ lệ đào tạo định kỳ và đào tạo đi kèm giám sát thực thi ở Nhân Lực Việt là 50-50, cho thấy nhu cầu thực là rất lớn”, CEO Nhân Lực Việt nhận xét.

Dương Nguyễn