“Đòn bẩy” hạ tầng giúp Vĩnh Phúc bứt phá, phát triển mạnh mẽ Vĩnh Phúc mở lối an cư cho lao động trẻ |
Trong bối cảnh Mỹ sắp áp dụng mức thuế nhập khẩu mới, cao hơn đối với nhiều mặt hàng đến từ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Vĩnh Phúc đang đứng trước những thách thức lớn. Tuy nhiên, thay vì lùi bước, nhiều doanh nghiệp tại đây đang triển khai các giải pháp linh hoạt, chủ động thích ứng để biến khó khăn thành cơ hội.
Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 73 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 547,1 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng quý I/2025, con số này đạt 125,6 triệu USD, chiếm 3,6% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tuy nhiên, chính sách thuế mới từ Mỹ khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam kém cạnh tranh hơn. Điều này ảnh hưởng đến hàng loạt sản phẩm chủ lực như linh kiện xe máy, hàng may mặc, giày dép, thiết bị gia dụng và linh kiện điện tử. Bài toán đặt ra là: làm sao để duy trì xuất khẩu mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh?
Các doanh nghiệp Vĩnh Phúc đã không chờ đợi, mà nhanh chóng triển khai ba nhóm giải pháp lớn: mở rộng thị trường, tối ưu chi phí sản xuất và chuyển đổi kênh phân phối.
![]() |
Doanh nghiệp xuất khẩu Vĩnh Phúc linh hoạt vượt sóng thuế Mỹ. |
Để không phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Đây là những thị trường có nhu cầu cao với sản phẩm từ Việt Nam và sở hữu chính sách thương mại cởi mở, thuận lợi hơn.
Trước biến động từ chính sách thuế, việc cắt giảm chi phí trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và tiết kiệm nguyên vật liệu. Đồng thời, nguồn nguyên liệu nội địa được tận dụng triệt để để giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng quốc tế.
Thương mại điện tử đang mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu. Thay vì phụ thuộc vào hệ thống phân phối truyền thống, các doanh nghiệp đã thiết lập các kênh bán hàng trực tuyến nhằm tiếp cận trực tiếp với khách hàng toàn cầu, từ đó tiết kiệm chi phí trung gian và tăng hiệu quả tiếp thị.
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu vượt khó trong đợt biến động thuế quan lần này là Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, có trụ sở tại KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (huyện Lập Thạch). Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh gạch ốp lát, gốm sứ và vật liệu công nghiệp xuất khẩu, từng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Mỹ.
Ngay khi chính sách thuế của Mỹ có dấu hiệu thay đổi, Á Mỹ đã triển khai nhiều giải pháp chiến lược như: Đầu tiên, xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và khối ASEAN để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Thứ hai, nâng cấp dây chuyền, ứng dụng kỹ thuật hiện đại giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, chủ động nguồn cung, giảm thiểu rủi ro từ biến động giá nguyên vật liệu nhập khẩu.
Cuối cùng, thiết lập các kênh bán hàng trực tuyến, tiếp cận thị trường toàn cầu không cần thông qua các nhà phân phối trung gian.
Nhờ đó, Á Mỹ không chỉ giữ vững hoạt động sản xuất mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng mới.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng tổ chức họp khẩn, đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể. Nổi bật trong đó là các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thấp nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ. Song song, các chương trình xúc tiến thương mại được triển khai nhằm tăng cường kết nối, tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới cho doanh nghiệp.
Thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn hiện hữu với những doanh nghiệp biết thay đổi. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục biến động, sự linh hoạt, sáng tạo và đổi mới mô hình kinh doanh chính là chìa khóa để doanh nghiệp vươn lên.