Doanh nghiệp thép tăng mạnh doanh thu nhờ xuất khẩu

19:57 29/08/2021

Dịch Covid-19 khiến hoạt động xây dựng trong nước bị ngưng trệ, từ đó làm giảm lượng tiêu thụ thép nội địa. Vì thế, nhiều doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và đây là nguồn doanh thu chủ lực trong cơ cấu kinh doanh.

Xuất khẩu chiếm phần lớn sản lượng bán hàng

Theo báo cáo tình hình thị trường tháng 7 và 7 tháng 2021 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt gần 2,4 triệu tấn, giảm 6,4% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, xuất khẩu thép trong tháng 7 đạt gần 660 nghìn tấn, tăng gần 6% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ tháng 7/2020.

Tính chung 7 tháng 2021, sản xuất thép đạt hơn 18,3 triệu tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt trên 16,1 triệu tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 4 triệu tấn, tăng mạnh tới 78,9% so với 7 tháng năm 2020.

Trong công bố kết quả kinh doanh mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, trong tháng 7, xuất khẩu tôn mạ ghi nhận 123.088 tấn, tăng 20,6%; ống thép 3.244 tấn, giảm 25% so với tháng 6. Như vậy, xuất khẩu đã chiếm 67% cơ cấu sản lượng của Hoa Sen trong tháng vừa qua. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, HSG đã xuất khẩu hơn 737 nghìn tấn tôn mạ, chiếm 67% tổng sản lượng bán ra. Theo HSG, với kênh xuất khẩu rộng khắp đến hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, HSG đã ký các hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 11/2021.

Tương tự, nửa năm qua, Công ty thép Nam Kim (NKG) cũng đã xuất khẩu 366,5 nghìn tấn, chiếm 73% tổng sản lượng tôn mạ bán ra.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, kênh xuất khẩu có thể giúp 2 doanh nghiệp trên duy trì hoạt động hết công suất trong thời gian tới bất chấp tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 đối với nhu cầu trong nước.

Theo đó, dự kiến, sản lượng xuất khẩu của NKG dự kiến chiếm 80% tổng sản lượng trong nửa cuối năm 2021, trong khi HSG cũng dự kiến xuất khẩu vượt 130 nghìn tấn/tháng, chiếm hơn 70% tổng sản lượng. Động lực chính của sản lượng xuất khẩu là thị trường Mỹ và châu Âu, hiện có tỷ suất lợi nhuận cao hơn do giá thép cao hơn khoảng 30-70% so với các thị trường khác, bù đắp thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển. HSG dự kiến tỷ trọng từ thị trường Mỹ và châu Âu sẽ tăng từ 20-30% lên hơn 50%, trong khi NKG dự kiến 80% sản lượng xuất khẩu của công ty đến từ các thị trường này trong thời gian tới.

Với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), SSI đánh giá, mặc dù sự bùng phát dịch Covid-19 có thể gây áp lực lên sản lượng và giá bán bình quân trong ngắn hạn, lợi nhuận nửa cuối năm của Hòa Phát vẫn khả quan nhờ nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) tăng, do xuất khẩu thép dẹt thành phẩm (tôn mạ và ống thép) của Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng mạnh trong 2 quý sắp tới. 7 tháng đầu năm, sản phẩm tôn mạ của HPG ghi nhận mức tăng trưởng tốt khi đạt 188.000 tấn, gấp 2,7 lần so với 7 tháng đầu năm 2020; xuất khẩu chiếm 55%.

Sản xuất và xuất khẩu thép tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái
Sản xuất và xuất khẩu thép tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo thiếu nguồn cung trong nước

Lý giải nguyên nhân đẩy mạnh xuất khẩu, VSA cho biết, dịch Covid-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Hơn nữa, dịch bệnh cũng khiến hoạt động xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh. Vì thế, các doanh nghiệp thép phải đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu là cần thiết, giúp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, giúp có nguồn thu ngoại tệ và đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp.

Bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng VSA cho biết thêm, các doanh nghiệp trong miền Nam gặp khó khăn do dịch bệnh, xây dựng đình trệ... nên tăng trưởng vừa qua chủ yếu từ xuất khẩu.

Theo báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, nhu cầu thép ở châu Âu được dự báo sẽ tăng 10,2% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhập khẩu thép, tập trung vào Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Trong khi, việc giãn cách xã hội đang được áp dụng nghiêm ngặt tại các tỉnh phía Nam - nơi chiếm 34% số lượng tiêu thụ thép xây dựng.

Mặc dù các doanh nghiệp cho biết vẫn đủ sản lượng cung ứng cho thị trường trong nước, nhưng thời gian qua, giá thép đã tăng mạnh nên việc các doanh nghiệp thép đẩy mạnh xuất khẩu càng tạo lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, càng làm giá thép tăng khi cả nước phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương yêu cầu VSA, Tổng Công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao.

Mới đây, cũng để giữ ổn định tình hình trên, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, với ngành thép, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5% và giảm 5-10% mức thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.

Cơ quan này lý giải, việc điều chỉnh các mức thuế này nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Theo TCHQ