Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 413 nghìn lượt khách quốc tế và 60,8 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Như vậy, chỉ tiêu đón khách du lịch nội địa cả năm đã hoàn thành ngay khi năm 2022 vừa đi qua một nửa.
Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong top 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới. Việt Nam được đề cử tại 61 hạng mục ở giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards.
Hoạt động du lịch tăng tốc mạnh mẽ cũng thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành ghi nhận triển vọng phục hồi rõ ràng hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.
Nhiều đơn vị lữ hành cho hay, du lịch hè đang thu hút lượng du khách lớn trên toàn quốc, đặc biệt tháng 7 mùa du lịch mới thực sự bước vào giai đoạn cao điểm.
Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ khoảng 250.000 lượt khách hè này và hết tháng 6 đã nhận được hơn 155.000 lượt booking dịch vụ. Doanh nghiệp cho biết, khả năng sẽ phải mở thêm chỗ nhiều dịch vụ do khách đi du lịch không chỉ tập trung vào một thời điểm mà trải dài thậm chí tới tháng 8, đặt trước từ rất sớm. Saigontourist đặt kế hoạch phục vụ 280.000 lượt khách nhưng đến nay đã vượt 10% so với con số này.
Thời điểm này, du khách có xu hướng chuộng các điểm đến có đường bay hơn đường bộ. Đường bay tới Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến.
PV