Thông tin từ Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra quý IV/2024 cho thấy xu hướng tích cực của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) quý IV/2024 so với quý III/2024 là 17,8%; trong đó, 38% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn, 20,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Tương ứng tăng 5,8 điểm phần trăm so với chỉ số cân bằng quý III/2024 là 12,0%. Tính riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng quý IV/2024 so với quý III/2024 tăng cao nhất với 9,4 điểm phần trăm.
Một số ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu quý IV/2024 vẫn tiếp tục xu hướng khả quan từ các quý trước, cụ thể: Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu và công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý IV/2024 tăng so với quý III/2024 lần lượt là 51,4%; 47,5%; 44,9% và 81,9%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý IV/2024 giảm so với quý III/2024 là 34,8%.
Tình hình kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn quý trước. |
Ngành dệt có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu quý IV/2024 tăng so với quý III/2024 lần lượt là 44,3%, 41,9% và 38,0%.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu quý IV/2024 tăng so với quý III/2024 lần lượt là 43,0%; 39,2% và 34,3%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý IV/2024 tốt hơn quý III/2024 thể hiện qua các chỉ số cân bằng về khối lượng sản xuất; đơn đặt hàng mới; sử dụng lao động; công suất sử dụng máy móc, thiết bị đều tăng trong khi chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm giảm so với quý trước. Điều này cho thấy khối lượng tiêu thụ sản phẩm có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm 2024.
Nhận định về hoạt động SXKD, có 79,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 thuận lợi hơn so với quý III/2024 và 20,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý I/2025 hoạt động SXKD khó khăn hơn quý IV/2024 với 78,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định (34,4% tốt hơn, 44,4% giữ ổn định), 21,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các quý tiếp theo, Tổng cục Thống kê đã tổng hợp và đưa ra một số kiến nghị nổi bật của các doanh nghiệp.
Thứ nhất, để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD, 42,0% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 50,1%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%. Theo địa phương, có tới 36/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân chung của cả nước (42,0%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao như: TP. Hồ Chí Minh - 51,6%; Hà Nội - 48,8%; Bắc Ninh - 40,5%; Đồng Nai - 35,6%.
Doanh nghiệp chế biến - chế tạo cần nhiều lực đẩy cho năm 2025. |
Thứ hai, 33,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại có 40,2% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng; ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 37,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) với 35,0%. Theo địa phương, có 32/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33,3%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao như: Hà Nội - 36,7%; Bắc Ninh - 33,6%; TP. Hồ Chí Minh - 28,1%; Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 26,0% và 21,6%.
Thứ ba, 25,2% doanh nghiệp kiến nghị cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như ngành sản xuất phương tiện vận tải khác với 32,4%; ngành sản xuất thiết bị điện với 31,5%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học với 30,7% doanh nghiệp kiến nghị.
Thứ tư, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho SXKD của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất trong năm 2024 tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ như TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 18,5%; Đồng Nai 24,1%.
Ngoài các kiến nghị trên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương có chính sách thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất thép nói riêng có thị trường đầu ra ổn định, lâu dài.