Doanh nghiệp cần làm gì khi 'sống chung' với lãi suất tăng?

11:41 26/10/2022

Từ ngày 25/10, mức lãi suất điều hành mới đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm.

Trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã tăng lên 6%. Trong khi người có tiền gửi tiết kiệm vui mừng, thì các doanh nghiệp cần vay vốn rất lo lắng.

Kể từ ngày 25/10, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5% lên 1%/năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5%/năm.

Như vậy, chỉ trong 2 lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm năm 2014.

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Đầu năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 - 8%/năm nhưng nay đã là 9 - 10%/năm. "Lãi suất vay của công ty tôi đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm. Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm, công ty phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước", vị này tính toán.

Dự báo lãi suất đầu vào - đầu ra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự báo lãi suất đầu vào - đầu ra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Lý giải đà đi lên mạnh của lãi suất cho vay, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay những năm trước đã giảm xuống mức thấp, giờ đang tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng vào cuối năm thường rất cao. Đây là thời điểm bắt đầu năm dương lịch nhưng lại cuối năm âm lịch, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết, trả lương, thưởng, khởi công dự án... rất lớn. 

Hơn nữa, thị trường dự báo lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng, nên việc đẩy mạnh huy động vốn bằng nâng lãi suất huy động là điều dễ hiểu. Khi nguồn vốn đầu vào tăng, thông thường lãi suất cho vay sẽ cao hơn huy động 3 - 5%. Ví như huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,5%/năm, thì lãi suất cho vay sẽ dao động 10,5 - 13%/năm tùy theo mục đích sử dụng vốn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng cũng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Đáng chú ý, theo Thống đốc, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

"Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của doanh nghiệp cấp thiết hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, doanh nghiệp phải tìm giải pháp làm sao tối ưu hoá được nguồn vốn, thu tiền nhanh hơn, kiểm soát dòng tiền, giảm vay tiền ngân hàng. 

Trao đổi với Người Đưa Tin về tác động của việc tăng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, tăng lãi suất huy động đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp bao gồm cả những khoản cũ và mới sẽ tăng lên.

"Rõ ràng các đối tác của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì chi phí tài chính sẽ tăng lên, điều này là chính yếu nhất. Khi chi phí tăng lên dẫn đến giá đầu ra sẽ có độ trễ và tăng trưởng chậm hơn, khiến một phần nào đó, doanh nghiệp sẽ bị khó khăn hơn", ông nói.

Ông Lực nhận định, nếu không có động thái này, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng. Mà trong trường hợp tỷ giá tăng, tức đồng nội tệ giảm thì đương nhiên một số doanh nghiệp xuất khẩu có lợi và một số doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt. Tuy nhiên việc đó tác động không nhiều và không lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo vị chuyên gia này, vì nước ta có hơn 70% xuất khẩu từ doanh nghiệp FDI và khoảng 56% nhập khẩu cũng là doanh nghiệp FDI. Đối tượng này có chịu tác động của tỉ giá nhưng không nhiều vì khi giá có thay đổi, có biến động thì họ vẫn tiếp tục công việc của mình.

Từ đó, ông Lực đề xuất, muốn ứng phó với việc này, doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn về rủi ro lãi suất và tỉ giá để kiểm soát rủi ro này, có thể thông qua một tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng để cùng phối hợp để kiểm soát rủi ro, vì ngân hàng có những công cụ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro. Thứ hai là phải đa dạng hóa đối tác thị trường, kể cả đồng tiền thanh toán.

"Thứ ba, doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn về chất lượng nợ của đối tác vì đối tác ở nước ngoài, hoặc trong nước cũng có thể sẽ bị khó khăn hơn. Rõ ràng hai bên phải thiện chí với nhau để trao đổi, tìm một giải pháp tối ưu, có lợi cho cả hai bên", ông Lực phân tích. 

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. 

Còn TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhận định, việc tăng lãi suất huy động có thể có tác dụng ổn định cung - cầu tiền và ổn định tỉ giá trước diễn biến tỉ giá ngày càng nóng bằng việc dùng đồng thời cả hai biện pháp tăng lãi suất và bán ngoại tệ.

Ông Nghĩa cũng đề xuất, để làm được điều này cũng cần phối hợp với các chính sách tài khóa. Ví dụ như giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực lạm phát hàng nhập khẩu.

Bàn về tác động của việc tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán, ông Nghĩa khẳng định thị trường này sẽ có những tác động tiêu cực. Vì khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư sẽ giảm vay ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán. Đồng thời thay vì đầu tư vào chứng khoán thì họ sẽ thấy gửi tiền tiết kiệm sẽ mang lời nhiều hơn, nên ít đầu tư vào chứng khoán.

Ngoài ra, khi lãi suất huy động tăng cũng tạo ra một tâm lý lo ngại rằng lãi suất này có thể còn tiếp tục tăng thêm nữa.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI nhận định, trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trước kỳ họp Fed vào tháng 11 tới.

“Do đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5 – 1 điểm % về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn”, các chuyên gia phân tích của SSI dự báo.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 6,5-6,7%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022.

Đối với năm 2023, lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên 7,0 - 7,2%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.

Bảo Khánh (T/h)