Nguy cơ thương chiến toàn cầu cũng tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu trong năm 2025. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế thương chiến để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, gia tăng lợi nhuận. Các nhà đầu tư gia tăng tìm kiếm cơ hội trong danh mục đầu tư mới.
Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2024 chiếm khoảng 55,6% giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE, trong đó có 23 doanh nghiệp tỉ USD.
Xét về hiệu quả hoạt động thông qua tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), ROE của Top 50 trong năm 2024 vượt trội hơn so với ROE bình quân toàn thị trường niêm yết.
Đáng chú ý, ngân hàng tiếp tục là ngành có số lượng công ty góp mặt lớn nhất trong TOP 50 với 12 đại diện (24%). Nổi bật trong nhóm ngân hàng là VCB với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường, theo sau là CTG, TCB, VPB...
Ở nhóm ngành ngân hàng, thách thức khi nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm, mặt bằng lãi suất cho vay nguy cơ tăng lên. Do đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2025, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn ổn định như năm nay, do bức tranh kinh tế chưa có chuyển biến nào rõ ràng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm khi thị trường chứng khoán, bất động sản dự báo tiếp tục khó khăn.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ngành an toàn với nhà đầu tư năm 2025. Dù không thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng được bù lại từ mức cổ tức mà các ngân hàng chia cho cổ đông năm 2024.
Những ngân hàng chia cổ tức cao, như: MSB 30%; NAB 25%; HDB và OCB là 20%; VIB 17%... Cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B 1,7 lần), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 18 - 20%, theo ACBS, do đó, tạo động lực tăng giá trong thời gian tới mà không sợ pha loãng.
Tính đến nay, một số ngân hàng đã ước tính lợi nhuận cả năm 2024, như: TPBank dự kiến lợi nhuận cả năm 2024 sẽ tăng 34% so với năm 2023; Sacombank, lợi nhuận đạt trên 12.700 tỷ đồng; HDBank dự kiến lợi nhuận đạt trên 16.000 tỷ đồng…
Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB) cũng luôn nằm trong nhóm lợi nhuận nghìn tỷ kể từ năm 2021 khi đạt mốc 1.434 tỷ đồng, lợi nhuận liên tục tăng và đạt ở 2.640 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024.
Thị giá NAB đang xoay quanh mức 16.750 đồng/cổ phiếu, đã tăng trở lại so với mức 12.710 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2024.
Các chỉ tiêu kinh doanh của NAB - Nguồn: BCTC NAB. |
Nhìn vào biểu đồ cho thấy, NAB là ngân hàng phục vụ hoạt động cho vay là chủ yếu, tỷ lệ cho vay luôn chiếm 50-60% tổng huy động vốn, chiếm 85%-90% so với tiền gửi khách hàng.
Theo đó, cơ cấu thu nhập của NAB chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng. Từ năm 2020-2023, thu nhập từ lãi thuần chiếm 80-88%, ngoài ra các nguồn lãi đến từ: dịch vụ, chứng khoán đầu tư, hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần.
Ngoài việc kiểm soát tình hình nợ xấu ở mức 2,11% tại thời điểm 31/12/2023, NAB cũng duy trì mức cổ tức khá cao so với ngành, ở mức 25% cho cổ đông trong 02 năm qua.
Mới đây, NAB đã trở thành một trong số ít ngân hàng hoàn thành chuyển đổi báo cáo theo chuẩn mực quốc tế IFRS vào tháng 10/2024. Việc này sẽ tăng sự minh bạch và hiệu quả hoạt động của NAB trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng Top 50, năm 2024 chứng kiến sự góp mặt của đa dạng 14 ngành nghề, đơn cử như Hàng cá nhân và Gia dụng (10%); Thực phẩm và đồ uống (10%); Dịch vụ tài chính (8%); Y tế (8%)....
Có lẽ nhóm ngành dệt may được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025. Đối với cổ phiếu ngành dệt may, tận dụng thị trường Bangladesh đã phải chuyển gần 40% đơn đặt hàng sang các thị trường khác trong nửa cuối năm 2024 do gián đoạn chính trị. Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc xuất khẩu trong năm 2025.
Điều này thể hiện rõ khi CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã tiếp nhận đơn hàng gần lấp đầy cho quý 1/2025 và chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý 2/2025.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TCM được đánh giá là một trong những cổ phiếu có tính thanh khoản tốt trong ngành.
Kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024, TCM vượt kế hoạch lợi nhuận năm tới 63%, đạt 263 tỷ đồng, dù doanh thu mới chỉ thực hiện 94% kế hoạch năm, đạt 3.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn hàng mà công ty đã và đang tiếp nhận sẽ giúp lợi nhuận của TCM sẽ tăng thêm khi kế hoạch doanh thu 2024 hoàn thành.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TCM. |
Giá cổ phiếu TCM đã tăng 11% so với đầu năm 2024, đang xoay quanh mức 42.300 đồng/cổ phiếu ngày 04/02/2025. Nhà đầu tư kỳ vọng xu hướng giá TCM sẽ trở về mốc đỉnh 53.500 đồng/cổ phiếu ở đầu tháng 7/2024.
Vì theo dự báo, ngành dệt may năm 2025 sẽ khả quan với kế hoạch kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%, đạt khoảng 47-48 tỷ USD. TCM cũng tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu khi thị phần xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm gần 19%, Canada gần 8,5%, Châu Âu 4%, chủ yếu là Hàn Quốc gần 36%, Nhật Bản gần 13%, trong nước gần 8%...
Nằm trong nhóm ngành thủy sản đạt thắng lợi với kỷ lục kim ngạch xuất khẩu khi đạt mốc 10 tỷ USD năm 2024, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng ghi nhận doanh thu năm 2024 ở mức 12.535 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm từ 10.700-11.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận đạt 1.233 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận cao đề ra là 1.000 tỷ đồng.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC. |
Lợi thế của VHC là tiền gửi ngân hàng 2.700 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản. Lợi nhuận giữ lại lũy kế gần 6.200 tỷ đồng, tính đến ngày 30/09/2024. Theo đó, công ty luôn chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% trong 05 năm qua, riêng năm 2022, công ty chia cổ tức 40%. Năm 2025, lợi thế của VHC là được Mỹ gỡ bỏ thuế chống bán phá giá.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VHC đã tăng 13% so với đầu năm 2024, giá giao dịch phiên 04/02/2025 ở mức 70.200 đồng/cổ phiếu, gần với mức giá đạt đỉnh trong năm ở mức 76.249 đồng/cổ phiếu vào 25/3/2024.
Đối với nhóm ngành bất động sản, các cổ phiếu cũng đang trông chờ vào việc “cởi trói” của các quy định khi 03 Luật mới liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực.
Thị trường bất động sản đang trong tình trạng giá cao ngất ngưởng, giá căn hộ bình quân tháng cuối năm 2024 lên mức 110 triệu đồng/m2 tại TP.HCM. Dòng sản phẩm mới chủ yếu là căn hộ cao cấp và hạng sang. Trong khi, giá bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội cũng lên mức 65 triệu đồng/m2. Cung – cầu sản phẩm bất động sản ngày càng lệch pha khiến cho thanh khoản thị trường gặp khó.
Tồn kho bất động sản của các công ty niêm yết cũng đang là vấn đề lo ngại. Ghi nhận từ báo cáo tài chính của 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giá trị tồn kho tính tới ngày 30/9/2024 khoảng 301.799 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) có giá trị tồn kho 22.450 tỷ đồng vào cuối quý 3/2024 trên tổng tài sản 31.605 tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm 2024, nhiều dự án bất động sản đang xây dựng dở dang. Phần lớn cơ cấu hàng tồn kho của KDH tập trung tại các dự án Khu dân cư Tân Tạo (6.651 tỷ đồng), Bình Trưng Đông (7.873 tỷ đồng), Khu định cư Phong Phú 2 (1.797 tỷ đồng), An Dương Vương (1.741 tỷ đồng)…
Trên thị trường chứng khoán, thị giá KDH đang ở mức 34.450 đồng/cổ phiếu, tăng so với mức 28.190 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2024. Điều này đã khiến KDH là điểm sôi động khi các quỹ “trao tay” với việc mua vào 1,1 triệu cổ phiếu KDH của 02 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital vào ngày 19/12/2024, trong khi quỹ VinaCapital đăng ký thoái toàn bộ 23.425 cổ phần nắm giữ tại KDH.
Thị giá KDH tăng cũng có thể nhờ vào việc công ty duy trì mức trả cổ tức 10% trong 04 năm qua và lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng dương, dù năm 2023 chỉ ở mức 715 tỷ đồng, không đạt mức nghìn tỷ như 03 năm trước đó, và 9 tháng đầu năm 2024 lãi sau thuế chỉ đạt 410 tỷ đồng cùng với 1.231 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang áp lực đáo hạn trái phiếu khi năm 2025 gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý 3 và 4, trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Đây là một yếu tố rủi ro nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
Du vậy, rủi ro vỡ nợ dự báo ít có khả năng xảy ra khi thị trường bất động sản sôi động dần trở lại hơn. Nếu gặp khó khăn về dòng tiền, các doanh nghiệp bất động sản có thể giảm giá sản phẩm để bán hàng và có thể tránh được rủi ro vỡ nợ. Số tiền khách hàng trả trước đang tăng lên, điều này cũng sẽ cải thiện sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, theo Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS).
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong vùng định giá tương đối hấp dẫn khi được giao dịch ở mức định giá P/E 14.x, cao hơn trung bình các thị trường mới nổi là 9,1x, nhưng thấp hơn nhiều mức trung bình 05 năm là 17.2x, theo PSI.
Dòng “tiền tươi” vẫn đang chờ đổ vào chứng khoán nếu chỉ số VN-Index gỡ được “nút thắt” 1.300 điểm. Tiếp theo là mục tiêu chinh phục mốc 1.400 điểm và cơ hội “hút vốn” 23 tỷ USD từ các quỹ tham chiếu chỉ số, nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, theo tổ chức FTSE Russell.
Trong khi đó, việc chuẩn bị cho nâng hạng cũng được thực thi với việc hợp đồng tương lai chỉ số VN100 sẽ được triển khai ngay trong quý 1/2025 và đưa hệ thống KRX vào vận hành trong năm. Trước đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được mua cổ phiếu ở Việt Nam mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding) khi đặt lệnh (Thông tư số 68/2024 của Bộ Tài chính).
Dù vậy, việc chỉ số VN-Index “vượt sóng” bất thành trong năm qua, cùng với thanh khoản thị trường giảm 25% khiến lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán không như kỳ vọng.
Trong quý 3/3024, lợi nhuận của 77 công ty chứng khoán chỉ ở mức 7.000 tỷ đồng. Ghi nhận tại Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) doanh thu từ môi giới chứng khoán ở mức 41 tỉ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước, khiến doanh thu hoạt động chỉ đạt 219 tỉ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 74,7 tỷ đồng, giảm 18%.
Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng thông báo lợi nhuận trước thuế giảm 32% trong quí 3/2024, ở mức 1.097 tỷ đồng. Cụ thể, thu nhập thuần mảng môi giới và lưu ký chứng khoán giảm 10%, ở mức 42 tỷ đồng. Thu nhập từ mảng ngân hàng đầu tư giảm 35%, ở mức 351 tỉ đồng. Mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu giảm 29%, chỉ đạt 617 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ hội cho nhóm các cổ phiếu công ty chứng khoán tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 khi thanh khoản được cải thiện, trên cơ sở thị trường chứng khoán “kích hoạt” được dòng tiền đổ vào.