Thách thức từ việc hoạch định chính sách và triển khai
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.
"Chẳng cứ lĩnh vực kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, việc nói và làm không đi cùng nhau. Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả”, ông Ngọc nói.
Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, ông Ngọc khẳng định đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai “rất nửa vời”.
Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo ông Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.
Trước lo ngại Việt Nam là nước xuất phát chậm nên khó có thể tiến xa trong nền kinh tế số, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người. Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn.
4 chính sách để phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Ở góc độ quản lý Nhà nước, để kinh tế số tại Việt Nam phát triển, ông Hiếu nhấn mạnh, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất bởi hiện nay nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.
Ông Hiếu dẫn dụ, tương lai Việt Nam thừa nhận taxi tự lái hoạt động trên đường, nếu xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về xe tự lái, phần mềm...? Và khi đó chắc chắn luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển, và bản thân ông cũng “chưa thể hình dung hết” sự thay đổi này.
“Tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...”, ông Hiếu nói.
Ở góc nhìn nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tới 4 chính sách để phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Một là, xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... Cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.
Hai là, phát triển hạ tầng kết nối. Theo đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Ba là, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác. Xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia trên cơ sở bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Cuối cùng, đào tạo nguồn nhân lực các chuyên ngành an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí... để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm.