Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, PVT/HoSE), Chủ tịch PVT cho biết, kế hoạch xây dựng theo phương án thận trọng. Chỉ tiêu kế hoạch lúc nào cũng thấp hơn thực hiện năm trước, nhưng sẽ cao hơn kế hoạch năm trước. PVT đặt kế hoạch nhưng không ỷ lại và chỉ làm như vậy. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận của PVT đều trên 1.000 tỷ, 2021 là 1.040 tỷ và năm 2022 thì hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thông qua mức doanh thu hợp nhất 6,8 nghìn tỷ đồng cho năm 2023; lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 680 tỷ đồng và 538 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà 296 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu này thấp hơn đáng kể so với những gì PVT đã thực hiện trong năm 2022. Năm qua, PVT đạt kết quả kỷ lục với doanh thu hơn 9 nghìn tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.156 tỷ đồng. Như vậy nếu so với năm 2022, mục tiêu doanh thu của PVT giảm 25%, trong khi lãi sau thuế chưa bằng phân nửa.
Về các chỉ tiêu đầu tư, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chi hơn 4,11 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 3,85 nghìn tỷ đồng đề đầu tư tàu, và 260 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị vận tải. Nguồn vốn đầu tư chỉ có 1,4 nghìn tỷ đồng là vốn chủ, còn lại là đi vay và các nguồn khác.
Các chỉ tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh PVT cho rằng còn nhiều khó khăn trước mắt: Dù kinh tế toàn cầu đã được dự báo sẽ trở nên tích cực hơn. Theo đó dù lạm phát có xu hướng giảm, nhưng sẽ vẫn là mối lo đáng kể khi sự tăng trưởng trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ… gia tăng, qua đó gây áp lực lên lạm phát. Cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp diễn cũng có khả năng cản bước tăng trưởng của nền kinh tế.
Giá dầu được dự báo sẽ tăng mạnh từ giữa năm 2023, do Nga dự kiến cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu.
Triển vọng thị trường vận tải dầu thô và dầu sản phẩm nhìn chung vẫn tích cực, nhưng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng nếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu. Giá cước vận tải được dự báo sẽ hạ nhiệt. Tuy vậy, thị trường vận tải hoá chất và khí hoá lỏng (LPG)sẽ tích cực hơn nhờ Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, và các bất ổn vĩ mô hạ nhiệt.
Công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm, do đều đã đến kỳ bảo dưỡng tổng thể trong năm 2023. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động 50-55 ngày, và nhà máy Nghi Sơn là 45-50 ngày. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể tiêu cực vì đà giảm hồi phục kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. PVT dự báo, vận chuyển dầu thô, xăng dầu và LPG nội địa sẽ thấp hơn năm 2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của PVTrans cho thấy doanh thu thuần đạt 2.438,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp lợi nhuận gộp của công ty đạt 438,3 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 33,5% so với quý IV/2021.
Bên cạnh đó, PVTrans ghi nhận doanh thu tài chính trong kỳ tăng 37% lên 88,34 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty ghi nhận 276,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022, tăng 16% so với quý IV/2021. Theo giải trình của PVTrans, lợi nhuận được cải thiện tích cực chủ yếu đến từ việc khai thác hiệu quả các tàu đầu tư mới.
Luỹ kế cả năm 2022, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.047,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.160 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 39% so với năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, công ty đã hoàn thành vượt 39% mục tiêu doanh thu và 141,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
PV (t/h)