Xưởng lắp ráp dây chuyền thuộc Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast (Tập đoàn Vingroup) tại huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng).
Khu vực kinh tế quan trọng
Năm 2019, khối doanh nghiệp tư nhân gồm hơn 700.000 đơn vị, đóng góp khoảng 42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu hút 80% lao động cả nước. Nhiều nhà đầu tư tư nhân như: Sungroup, Vingroup, BRG…; đã trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường, tên tuổi gắn liền với những công trình lớn, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển là xu thế tất yếu và có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế. Có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đều qua từng năm, tính chung khu vực kinh tế tư nhân đã huy động khoảng 40 triệu tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh (số vốn huy động hằng năm bình quân tăng trên 10%), trở thành khu vực kinh tế quan trọng của nền kinh tế.
Cùng quan điểm này, ông Alwaleed Fareed Alatanani, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, có khoảng 60 tỷ USD tiền dự trữ nằm trong dân. Nếu biết cách khơi dậy, đây sẽ là nguồn lực đầu tư lớn cho nền kinh tế.
Trên thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Đến nay, cơ quan chức năng đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.807/ 6.191 điều kiện kinh doanh, xóa bỏ khoảng 7.000 dòng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, từ đó tiết kiệm được 6.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điểm số trung vị của Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố đạt 63 điểm - cao nhất trong 15 năm qua, cho thấy nỗ lực cải cách hành chính vì doanh nghiệp của các địa phương.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp tư nhân và nguồn lực từ khu vực này đã và đang được tạo điều kiện để phát huy, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Nhiều giải pháp huy động vốn tư nhân
Hiện nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, thu hút đầu tư tư nhân được coi là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp tư nhân, vì thế, thực hiện các giải pháp để huy động đầu tư từ khu vực này là yêu cầu cấp thiết.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư là dư địa lớn để từng địa phương khai thác nhằm thúc đẩy, thu hút vốn tư nhân. Về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đơn giản hóa hơn nữa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của các bộ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 của Chính phủ sẽ là "cú hích" đủ mạnh để hấp dẫn nguồn vốn của khu vực tư nhân. Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy cho rằng, đẩy mạnh đầu tư công là điều kiện tốt để doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, làm nhà thầu, nhà đầu tư...
Ở góc độ địa phương, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định hỗ trợ tháo gỡ mọi vướng mắc của doanh nghiệp ở mức cao nhất. Ngày 16-4 vừa qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức “Đối thoại với doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến tháng 6 tới, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị đầu tư, để giới thiệu các chính sách cũng như chia sẻ cơ hội đầu tư, kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cũng đang được kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV thảo luận, xem xét. Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Kiên, luật này được thông qua sẽ tạo đà cho tư nhân tham gia vào nhiều dự án lớn, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.
Rõ ràng, tổng hòa các yếu tố trên cho thấy, nhiều cơ hội đầu tư với doanh nghiệp tư nhân đang ở phía trước. Vì thế, tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng; chia sẻ cơ hội và tạo lập môi trường kinh doanh an toàn... chính là chìa khóa để thu hút đầu tư tư nhân.
Hồng Sơn