Luật Điện lực (Sửa đổi): Đẩy mạnh phát triển bền vững hướng tới Net-Zero năm 2050 Thúc đẩy tài chính xanh – Hướng tới mục tiêu Net-Zero tại Việt Nam |
Thị trường vốn xanh còn nhiều điểm nghẽn
Tại Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 27/5/2025, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định, thị trường vốn xanh Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu với quy mô rất khiêm tốn so với tổng thể thị trường tài chính quốc gia. Số liệu năm 2024 cho thấy, tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành chỉ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 1% tổng lượng trái phiếu huy động. Một trong những nguyên nhân lớn là Việt Nam chưa xây dựng được bộ tiêu chí tín dụng xanh quốc gia. Hầu hết các tổ chức phát hành đều dựa vào chuẩn quốc tế, thiếu nền tảng nội địa để xác định, phân loại và triển khai các dự án xanh, từ đó khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc xây dựng kế hoạch và gọi vốn phù hợp.
![]() |
Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Theo ông Hòa, dù Chính phủ đã có nhiều động thái thể hiện cam kết phát triển bền vững, trong đó nổi bật là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030 theo Quyết định 1658/QĐ-TTg, hay Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định danh mục dự án được cấp tín dụng xanh, nhưng các chính sách hiện hành vẫn thiên về định hướng, chưa có tính ràng buộc pháp lý cao. Ngoài ra, thị trường cũng đang thiếu các công cụ đánh giá và xác minh độc lập có chất lượng, khiến cho báo cáo phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp còn mang tính định tính, chưa đủ cơ sở khoa học để nhà đầu tư ra quyết định.
Thách thức khác là chưa có đủ dữ liệu chuẩn hóa và khả năng so sánh giữa các dự án xanh. Những báo cáo hiện tại thường mô tả hoạt động doanh nghiệp hơn là cung cấp thông tin kỹ thuật cần thiết như quy trình xử lý nước thải, công nghệ môi trường áp dụng... Trong khi đó, các tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập vẫn chưa phát huy hết vai trò tại thị trường nội địa.
Dù vậy, các nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia phát hành tài chính xanh có xu hướng tăng trưởng, nhưng chưa được chứng minh và truyền thông một cách khoa học, đầy đủ. Việc thiếu thông tin rõ ràng về lợi ích tài chính cũng là lý do khiến khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa mặn mà chuyển đổi sang mô hình xanh.
Trước thực trạng trên, UBCKNN đang từng bước xây dựng hạ tầng và nền tảng pháp lý cho thị trường vốn xanh. Giai đoạn 2025–2027, cơ quan này sẽ tập trung chuẩn bị các khung pháp lý cần thiết, thí điểm sàn giao dịch các-bon và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phục vụ thị trường xanh. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2028 trở đi sẽ là thời điểm vận hành chính thức sàn giao dịch, mở rộng quy mô giao dịch trong nước và hướng tới liên kết quốc tế.
Ông Tô Trần Hòa cho biết, nhiều chương trình đào tạo, sổ tay hướng dẫn cũng được UBCKNN xây dựng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình báo cáo tài chính sang “báo cáo xanh”. Điều này không chỉ giúp tăng tính minh bạch mà còn nâng cao năng lực thu hút vốn đầu tư cho các dự án có tác động môi trường tích cực. Cơ quan này cũng đặt mục tiêu phối hợp cùng các bộ ngành để ban hành hệ thống phân loại xanh quốc gia – một bước then chốt nhằm thống nhất tiêu chí xác định dự án xanh, tạo hành lang pháp lý cho việc cấp tín dụng và phát hành trái phiếu xanh minh bạch, đáng tin cậy.
Về chính sách hỗ trợ, ông Hòa khẳng định, với những quyết định mang tính chiến lược như Quyết định 1726/QĐ-TTg về phát triển thị trường chứng khoán, hay Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, các cơ chế ưu đãi cho tín dụng xanh cũng đang được xây dựng. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án xanh, áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị), đồng thời khuyến khích doanh nghiệp niêm yết công khai thông tin dự án để nâng cao uy tín và hiệu quả huy động vốn.
Một điểm đáng chú ý là việc cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) – công cụ tham chiếu cho các nhà đầu tư quan tâm đến ESG. Cùng với đó là việc triển khai Quyết định số 232 về phê duyệt Đề án thành lập thị trường các-bon Việt Nam, mở đường cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, hợp đồng giao dịch phát thải – góp phần đưa thị trường tài chính Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Để những kế hoạch này được hiện thực hóa, ông Tô Trần Hòa nhấn mạnh vai trò chủ động của doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin, xây dựng báo cáo tài chính xanh đúng chuẩn và chủ động tiếp cận thị trường vốn xanh. Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và cộng đồng đầu tư trong việc nâng cao nhận thức, đào tạo chuyên sâu và phát triển hệ sinh thái tài chính xanh toàn diện.