Đẩy mạnh các hoạt động tài chính xanh cho mục tiêu phát triển bền vững

15:13 27/12/2023

Nhiều ngân hàng trong nước đang đẩy mạnh cho vay xanh sau Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngân hàng hỗ trợ hoàn thành mục tiêu Net Zero

Đáng chú ý, với sự hợp tác giữa BIDV và ADB, Ngân hàng Standard Chartered và BIDV, Ngân hàng MUFG của Nhật Bản với VietinBank nhằm thúc đẩy và huy động nguồn tài chính bền vững, từ đó góp phần đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại Việt Nam. Trong đó, MUFG cam kết hỗ trợ VietinBank thu xếp tới 1 tỷ USD nhằm phục vụ các dự án phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường, xã hội và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Standard Chartered, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam huy động vốn, thu hút nguồn tài chính xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với triển khai các cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đã đưa ra tại COP 26 trước đó, góp phần vào quá trình phát triển của Việt Nam, trong đó có xây dựng thị trường vốn xanh, thị trường tín chỉ carbon…

Thực tế, để hỗ trợ hoàn thành mục tiêu Net Zero, nhiều ngân hàng đã và đang gấp rút vào cuộc. NamA Bank đã triển khai thí điểm Dự thảo Sách Trắng về mục tiêu trung hòa Carbon và đang tiếp tục triển khai tính toán mức phát thải CO2 tại một số đơn vị kinh doanh. Hoạt động này nhằm đánh giá, đo lường, tính toán mức độ phát thải CO2 vào các sản phẩm tín dụng xanh và ứng dụng chuyên sâu vào hoạt động vận hành.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển Tài chính carbon (CODE)
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển Tài chính carbon (CODE).
  1. TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển Tài chính carbon (CODE) cho rằng, các doanh nghiệp cần có hướng tìm nguồn nguyên liệu trong hoạt động sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu phù hợp với những yêu cầu của nhà nhập khẩu sẽ tránh được các vấn đề truy xuất nguồn gốc khi thực hiện sản xuất xanh xuất khẩu vào thị trường EU.

“Phát triển xanh là đòi hỏi của các quốc gia phát triển, tạo rất nhiều áp lực nên nền sản xuất của các nước đang phát triển và cũng đảm bảo an toàn môi trường trái đất”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, với chính sách cho vay tổng thể của ngân hàng này không chỉ áp dụng hệ thống quản lý môi trường và xã hội trong danh mục cho vay tín dụng xanh mà mục tiêu còn hướng đến hoạt động thân thiện và trách nhiệm với môi trường. Nhiều năm qua, Nam A Bank liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, định hướng tập trung phát triển các lĩnh vực xe ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng này tìm các nguồn lực tài chính quốc tế phát triển tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, chẳng hạn như tài trợ các chuỗi giá trị có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP… HDBank cũng là một trong những ngân hàng thương mại dẫn đầu trong tín dụng xanh, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, với nhiều chương trình ưu đãi thiết thực liên tục được triển khai.

Mở rộng nâng cấp vốn xanh

Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam, tính đến giữa năm 2023, dư nợ tín dụng xanh của toàn hệ thống vào khoảng 530.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Với việc các NHTM, để có nguồn vốn xanh, thời gian qua đã rất tích cực hợp tác với các định chế tài chính quốc tế, quỹ biến đổi khí hậu… đưa vốn xanh về Việt Nam để cho vay, điều này góp phần mở rộng khả năng cấp vốn xanh hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn vốn xanh luôn có lãi suất thấp hơn khoảng 2% so với các nguồn vốn khác, đây sẽ là một lợi thế rất lớn để bên vay nâng khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư VinaCapital nhận định, để tiếp cận được nguồn vốn xanh, các doanh nghiệp phải xây dựng từng bước quy trình xanh hóa hoạt động sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến sử dụng tiết kiệm tài nguyên và có thể biến rác thải thành nguyên liệu đầu vào thông qua các tín chỉ - các hành động cụ thể để hướng đến sản xuất xanh.

Theo Bộ Công Thương, các yêu cầu về giảm thiểu carbon trong quá trình sản xuất đang được nhiều đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam đặt ra, Trong số đó, Thỏa thuận xanh châu Âu (EU Green Deal - EGD) với những yêu cầu mới đang rất được quan tâm bởi nó sẽ điều chỉnh hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Trong đó, Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) là bộ phận quan trọng nhất trong Thỏa thuận. Theo đó EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất ở nước sở tại.

Nghệ Nhân (t/h)