Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại

10:29 13/10/2021

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 22,15 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai chỉ số được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm là dòng vốn đăng ký mới và tăng thêm. Cụ thể, có 1.212 dự án FDI đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước và 678 lượt dự án FDI điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong số các dự án FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm, có cả những dự án quy mô lớn, lên đến hàng tỷ USD. Cụ thể, Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 3,1 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của Nhật Bản có tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, kết quả thu hút FDI 9 tháng thể hiện sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào công tác phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi kinh tế, cũng như tính hiệu quả trong các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư của Chính phủ thời gian qua. 

Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 22,15 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 22,15 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.. (Ảnh: PV)

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, để ứng phó với dịch, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn bày tỏ sự lạc quan vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ vẫn là sự lựa chọn ưu tiên khi triển khai các dự án đầu tư mới và mở rộng.

Năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nestlé vẫn tăng vốn đầu tư thêm 132 triệu USD cho dự án nhà máy tại Đồng Nai để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và châu Úc.

"Chúng tôi luôn coi Việt Nam là thị trường quan trọng và then chốt với sự phát triển dài hạn của mình. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam"- ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam  khẳng định.

Cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư Việt Nam, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn, như: Nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Mai Anh