Cụ thể, giá dầu giảm vào thứ Năm (13/01) khi các nhà đầu tư chốt lời sau hai ngày tăng trong bối cảnh lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt. Giá dầu WTI giảm 52 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 82,12 USD/thùng, sau khi tăng 5,6% trong hai ngày qua. Tương tự, dầu thô Brent cũng giảm 20 cent, tương đương 0,2% xuống 84,47 USD/thùng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Chicago Charles Evans cho biết, có thể cần phải tăng lãi suất bốn lần vào năm 2022 nếu lạm phát không được cải thiện đủ nhanh. Ông nói thêm, vì lạm phát đã ở mức cao lâu hơn, nên FED phải hành động nhanh hơn dự kiến.
"Dữ liệu lạm phát giá sản xuất của Mỹ dễ dàng tăng nóng như tháng trước và có thể gây áp lực lên FED", John Kilduff, đối tác tại Again Capital Management ở New York, gọi đây là "những yếu tố đáng lo ngại." Giá dầu thường có diễn biến nghịch với đồng đô la Mỹ, và việc đồng bạc xanh mạnh lên đang khiến hàng hóa trở nên đắt hơn so với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Kilduff cho biết, sự gia tăng số người thất nghiệp cũng có thể làm giảm nhu cầu xăng dầu. Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu số 2 trên toàn cầu, đã đình chỉ một số chuyến bay quốc tế và tăng cường nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát Covid-19 tại Thiên Tân trong khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao đã lan đến thành phố Đại Liên, phía Đông Bắc nước này.
Nhiều thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, cũng đã kêu gọi người dân ở lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này có thể làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải trong mùa du lịch cao điểm. Một số nhà đầu tư đã xem xét sâu hơn dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vào thứ Tư (12/01). Trong khi tồn kho dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến, báo cáo cũng cho thấy nhu cầu nhiên liệu đã giảm do biến thể Omicron. Tính đến ngày 7/1, các kho dự trữ xăng tăng 8 triệu thùng trong tuần, so với kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 2,4 triệu thùng. Ngân hàng Citi cho rằng, tồn kho dầu thô giảm "có thể liên quan đến vấn đề thuế cuối năm đối với các kho dự trữ dầu trên đất liền ở Texas và Louisiana". Tuy nhiên, thiệt hại sẽ được hạn chế bởi suy đoán rằng, Omicron không đủ nghiêm trọng để làm trật bánh phục hồi nhu cầu toàn cầu và thời tiết lạnh giá ở Bắc Mỹ. Evans của FED cho biết, ông hy vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục "vượt qua" đại dịch, tác động của Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Giá dầu tăng hơn 50% vào năm 2021 và một số nhà phân tích kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục, dự báo rằng năng lực sản xuất ít ỏi và đầu tư hạn chế có thể nâng giá dầu thô lên 90 USD hoặc thậm chí trên 100 USD/thùng. JP Morgan dự báo giá dầu sẽ tăng cao tới 125 USD/thùng trong năm nay.
Thu Trà