![]() |
Chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo chất lượng và giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Ảnh: TTXVN |
Xóa bỏ nhà tạm, dột nát và đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đất ở, nhà ở cho người dân đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Nông. Với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành việc này trước ngày 31/12 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Từ huyện nghèo nỗ lực vươn lên
Là một trong những huyện nghèo của tỉnh, nhiều năm qua, Đắk Glong đã được ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã có được mái ấm ổn định và niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, chính quyền huyện Đắk Glong đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo người dân được hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời.
Gia đình anh K’Thắng ở bon Sanar, xã Đắk R’măng là một trong những hộ điển hình. Từ căn nhà tạm nát, đến cuối năm 2024, gia đình anh đã được dọn vào ở trong ngôi nhà cấp 4 kiên cố rộng hơn 50m². Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà mới.
Dù ban đầu gặp khó khăn về đất ở, nhưng nhờ sự linh hoạt của địa phương trong việc hỗ trợ thủ tục pháp lý – từ đo đạc, tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – anh K’Thắng đã có đủ điều kiện để được xây nhà theo quy định.
Theo ông Trần Minh Báu – Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng, đến nay, địa phương đã hỗ trợ đất ở cho 10 hộ và hỗ trợ xây dựng nhà cho 12 hộ dân theo chương trình. Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cùng sự đồng thuận của người dân đã giúp chương trình triển khai hiệu quả hơn.
Mô hình huy động sức dân
Xã Đắk R’măng đã tích cực vận động người thân hiến tặng hoặc bán đất giá thấp cho những hộ chưa có đất ở. Sau đó, chính quyền xã phối hợp với các phòng ban chuyên môn huyện hoàn thiện các thủ tục cần thiết để người dân đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Cách làm thiết thực này đang được nhiều xã khác trong huyện Đắk Glong học hỏi và áp dụng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho người dân khó khăn.
Ông Đoàn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cùng chung tay là giải pháp bền vững và đầy ý nghĩa. Mỗi căn nhà được dựng lên không chỉ là chỗ ở mà còn là động lực giúp người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Từ năm 2024, huyện đã thành lập các tổ hỗ trợ chuyên trách cho từng tiểu dự án. Các tổ này phối hợp chặt chẽ với cấp xã để xử lý nhanh các khâu từ pháp lý đến giải ngân, đảm bảo người dân sớm có nhà mới theo đúng quy định.
Trong giai đoạn 2021–2025, huyện Đắk Glong được phê duyệt xây dựng hơn 400 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hơn 100 căn khác được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.
Tính đến hết tháng 3/2025, huyện đã hoàn thiện và bàn giao hơn 300 căn nhà – đạt trên 60% kế hoạch.
Khơi dậy sức mạnh cộng đồng
Trên toàn tỉnh, công tác xóa nhà tạm, dột nát đang được triển khai khẩn trương. Không chỉ dựa vào kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều ngôi nhà còn được dựng lên bằng nghĩa tình đồng bào – từ sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cả chính những người dân được thụ hưởng.
Bà Hà Thị Hạnh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho biết, phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Hàng trăm hộ nghèo đã có được mái ấm mới, vững chãi hơn, giúp họ ổn định chỗ ở và tập trung phát triển kinh tế.
Ủy ban Mặt trận các cấp còn đóng vai trò kết nối, vận động và giám sát hiệu quả, đảm bảo các nguồn lực được sử dụng minh bạch, đúng mục đích. Nhờ đó, chương trình không chỉ mang lại giá trị an sinh xã hội, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo Ban Chỉ đạo chương trình, toàn tỉnh Đắk Nông hiện đã xây mới hơn 700 căn, khởi công hơn 100 căn, với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng – chưa kể phần đối ứng của người dân. Tổng số nhà cần xây dựng và sửa chữa để hoàn thành mục tiêu là gần 1.800 căn.
Tỉnh Đắk Nông đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12/2025. Bằng sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, mỗi căn nhà được xây dựng không chỉ là thành quả vật chất, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng vươn lên và của tinh thần đoàn kết bền chặt trong cộng đồng.