Kỹ thuật trồng rau và hoa công nghệ cao là 1 trong 50 ngành nghề ở trình độ sơ cấp và các khóa ngắn hạn dưới 3 tháng |
Trong giai đoạn 2024 - 2028, tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai đào tạo 50 ngành nghề ở trình độ sơ cấp và các khóa ngắn hạn dưới 3 tháng. Các ngành nghề đào tạo bao gồm: Kỹ thuật chăn nuôi thú y, Kỹ thuật trồng rau và hoa công nghệ cao, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Kỹ thuật nấu ăn, và nhiều lĩnh vực khác.
Chương trình đào tạo nghề sẽ gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu phát triển các ngành, nghề chủ lực của địa phương và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề trên toàn tỉnh. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề theo đúng quy định.
Hằng năm, Sở sẽ chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp, và trình Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, điều chỉnh hoặc bổ sung danh mục nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Phần lớn học viên sau đào tạo có việc làm ổn định, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Cùng với đào tạo nghề trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp như: Kỹ thuật hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, trang điểm, tin học, dệt thổ cẩm, kỹ năng giao tiếp du lịch và phục vụ buồng phòng, điện dân dụng, xoa bóp bấm huyệt… với hàng nghìn học viên theo học mỗi năm.
Theo đánh giá, các ngành nghề được tổ chức đào tạo đa dạng, phong phú, giúp cho đối tượng được hỗ trợ đào tạo lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của bản thân, gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.