Cựu CEO Google chia sẻ từng cân nhắc mua lại TikTok

15:34 08/05/2024

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, Mỹ nên quản lý TikTok hơn là cấm vĩnh viễn hoặc buộc ứng dụng phải chịu các biện pháp tư pháp. 

Cựu CEO Google Eric Schmidt
Cựu CEO Google Eric Schmidt.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật buộc ByteDance bán TikTok nếu không muốn bị cấm tại Mỹ. Hôm 7/5, TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ và muốn tòa án ra phán quyết ngăn chặn lệnh cấm mà hãng tuyên bố là 'vi hiến' này.

Eric Schmidt, người từng giữ chức vụ CEO Google trong hơn một thập kỷ, xác nhận ông từng muốn mua lại TikTok nhưng hiện tại không còn suy nghĩ này nữa.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, Mỹ nên quản lý TikTok hơn là cấm vĩnh viễn hoặc buộc ứng dụng phải chịu các biện pháp tư pháp. 

ByteDance khó có thể bán đi công nghệ cốt lõi xác định những video mà mọi người dùng TikTok nhìn thấy trong nguồn cấp dữ liệu của họ. Đây là thuật toán đã được trải nghiệm bởi hơn 170 triệu người dùng TikTok hàng tháng ở Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải phê duyệt bất kỳ thương vụ nào như vậy, khiến một số người suy đoán rằng, bên mua sẽ chỉ tìm cách sở hữu hoạt động và người dùng của TikTok tại Mỹ chứ không phải công nghệ cốt lõi.

Việc tạo lại thuật toán như của TikTok sẽ khó khăn và tốn kém. Kể từ khi TikTok trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19 vì cung cấp cho người dùng nguồn dữ liệu video hiển thị tự động, những gã khổng lồ công nghệ như Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram) và Alphabet (chủ sở hữu YouTube) đã dành nhiều năm để cố gắng sao chép trải nghiệm này với mức độ thành công khác nhau.

Eric Schmidt nói rằng, ông xem TikTok giống với truyền hình hơn là mạng xã hội và hy vọng Mỹ sẽ xem xét quản lý nó theo cách như vậy. Doanh nhân người Mỹ 69 tuổi cho hay: “Bạn có thể quản lý truyền hình theo quy tắc thời gian bình đẳng, nhưng bằng cách nào đó, chúng ta lại không có cuộc thảo luận về chuyện này”, đề cập đến quy định liên bang mà các đài phát thanh và truyền hình Mỹ phải cung cấp quyền tiếp cận tương đương cho các ứng cử viên chính trị cạnh tranh.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg, Schmidt là người giàu thứ 47 thế giới, sở hữu tài sản ròng 32,2 tỷ USD.

Tự mô tả mình là "mọt sách", Schmidt lớn lên ở Falls Church, Virginia, được các đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin bổ nhiệm làm Chủ tịch điều hành và sau đó là CEO của Google vào năm 2001. Ông chịu trách nhiệm về một số tính năng giám sát dành cho người trưởng thành - một phần của công cụ tìm kiếm web đang phát triển của Google thời điểm bấy giờ.

Sau khi rời Google, ông xem việc cạnh tranh với Trung Quốc là ưu tiên thông qua một sáng kiến mang tên Dự án nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt.

Hiện tại, ông cho rằng Mỹ đã có lợi thế so với đối thủ trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng. “Chúng ta có lẽ đi trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm”, ông chỉ ra.

Ông còn bổ sung rằng, Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu hụt bán dẫn nhưng sẽ sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết.

Mai Anh (T/h)

Tags: