Cuộc đấu tranh toàn cầu đưa trẻ đến trường trong bối cảnh Covid-19

11:44 07/09/2021

Hàng trăm triệu trẻ em đã bị tụt hậu trên khắp thế giới khi các trường học đóng cửa trong đại dịch.

Annne, 14 tuổi cố gắng làm bài tập và nghe giảng online tại Philippines
Annne, 14 tuổi cố gắng làm bài tập và nghe giảng online tại Philippines. (Ảnh: reuters) 

Philippines: Sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng khi trường học đóng cửa

Đã 18 tháng kể từ lần cuối cùng trẻ em ở Philippines đặt chân vào lớp học. Theo Unicef, đây là một trong số năm quốc gia trên thế giới không mở cửa trở lại trường học kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid bắt đầu.

Dorina Monsanto, sống tại một ngôi làng ngoại ô Manila, có sáu đứa con, trong đó có bốn đứa đang đi học. Những đứa trẻ vật lộn để tiếp cận các bài học trực tuyến. Ban đầu, ông chủ của Monsanto đưa cho cô một chiếc điện thoại cho hai cô con gái Giselle Marie, 15 tuổi và Julianna, 12 tuổi dùng chung. Hai đứa bé sẽ thay phiên nhau theo dõi các lớp học nhưng dần xảy ra tranh cãi khi hai chị em cần đăng nhập cùng một lúc. Ngôi nhà nhỏ có tới tám người lớn vốn đã chật chội, ồn ào hẳn không phải là một nơi tốt để học tập. Không những vậy, các vấn đề như kết nối kém vì cả khu phố đều dùng internet khiến Monsanto lo lắng Giselle Marie bị điểm thấp và trở nên tiêu cực trong 18 tháng qua. Cô chia sẻ: “Những đứa con của tôi mất động lực học hỏi. Ngay cả khi muốn học cũng không thể hiểu được hết bài giảng. Chúng cần thầy dạy học còn tôi không thể giúp gì vì không biết kiến thức như thế nào”.

Những người ủng hộ trẻ em ở Philippines cảnh báo rằng, việc đóng cửa kéo dài các trường học tạo ra một cuộc khủng hoảng không chỉ trên toàn bộ lĩnh vực giáo dục mà còn đối với sức khỏe tâm thần và sự an toàn của trẻ. Ít nhất 1,1 triệu học sinh đã không đến trường trong năm học vừa qua, sau khi đại dịch tấn công và việc học tập từ xa được triển khai.

Rowena Legaspi, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển và Quyền hợp pháp của Trẻ em chỉ ra: “Nếu không có sự can thiệp tích cực và nghiêm túc, nhiều trẻ em bỏ học sẽ không bao giờ được học trở lại. Đây sẽ là một mất mát đáng kể cả ở cấp độ cá nhân, gia đình cũng như ở cấp độ xã hội”. Bên cạnh việc đóng cửa các trường học, trẻ em ở Manila và một số tỉnh khác cũng phải sống với những hạn chế khắt khe khi không được phép vào các công viên và sân chơi.

Các quy định được thực thi nghiêm ngặt còn trẻ em vô gia cư không có lựa chọn nào khác ngoài việc bất chấp tất cả phải ra ngoài tìm việc làm và là nhóm dễ bị tổn thương. Ngay cả đối với những đứa trẻ may mắn được ở nhà, tác động đến sức khỏe tinh thần của chúng là vô cùng lớn. Shiena Base of Educo Philippines, một tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em cho hay: “Hãy tưởng tượng trong một năm rưỡi bạn đã bị giam cầm ở nhà”. Base cho biết, chính phủ nên mở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp ở các vùng nông thôn, nơi trẻ em thậm chí không đủ điều kiện để học trực tuyến.

Chính phủ nước này đang chuẩn bị một kế hoạch thí điểm, bao gồm khoảng 120 trường học ở những khu vực có tỷ lệ học sinh thấp, thử nghiệm nối lại các lớp học trực tiếp. Các tổ chức từ thiện dành cho trẻ em lo ngại cuộc khủng hoảng hiện tại có thể còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau.

Ấn Độ: Những học sinh nghèo nhất phải đối mặt với khoảng cách học tập kỹ thuật số

Sonali Kate, 12 tuổi, dành toàn bộ thời gian năm học mới để nấu ăn, dọn dẹp phụ gia đình ở khu ổ chuột ngoại ô Mumbai. Cô bé thức dậy lúc 7 giờ sáng, quét dọn căn nhà vỏn vẹn 19 mét vuông, ngồi xổm trong con hẻm để rửa bát của cả nhà.

Tại Maharashtra, Mumbai, chính quyền bang đã hoãn mở lại học kỳ này trong bối cảnh lo ngại về một làn sóng thứ ba các trường hợp Covid-19. Sonali sẽ tham gia các lớp học trực tuyến bằng điện thoại thông minh mới do một tổ chức từ thiện địa phương cung cấp. Nhưng cô bé vẫn khá lo lắng về việc học tập trở lại: “Mọi thứ đều lạ lẫm, cháu không làm được bài lịch sử, địa lý, toán học,... Các bạn khác trong lớp đều vượt xa cháu”.

Kể từ năm 2017, chính quyền Maharashtra đã vận hành các điểm phát wifi miễn phí trên toàn thành phố, nhưng người dân sống ở khu định cư của Sonali đã không thể truy cập vào điểm này hoặc wifi miễn phí được cung cấp tại các nhà ga. Một cuộc khảo sát vào tháng 8 năm 2020 với gần 250.000 học sinh tại 1.100 trường học thành phố phục vụ trẻ em sống trong các khu ổ chuột của Mumbai cho thấy, một phần ba không tham gia các lớp học trực tuyến. Trong số những người được khảo sát, 76% không sở hữu điện thoại thông minh và 43% không thể kết nối internet.

Ở những nơi khác trên khắp Ấn Độ, các trường học đang mở cửa trở lại một cách thận trọng. Tương tự tại Mumbai, hàng chục nghìn học sinh từ các cộng đồng nghèo hoặc bị thiệt thòi phải đối mặt với khoảng cách học tập lớn sau nhiều tháng vắng mặt hoặc truy cập Internet và thiết bị kém. Báo cáo Tình trạng Giáo dục Hàng năm (Aser) 2020, được xuất bản vào tháng Hai bởi tổ chức từ thiện Pratham, cho thấy, việc giảng dạy kỹ thuật số “không ấn tượng” ở Ấn Độ. Chỉ 62% hộ gia đình được khảo sát có điện thoại thông minh. Dữ liệu của Aser xác nhận rằng những học sinh nghèo nhất của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đóng cửa trường học kéo dài, những bất lợi trong học tập và không đủ dinh dưỡng.

Trong khu ổ chuột Nargis Dutt Nagar, hàng xóm của Sonali, Almana Shaikh, 14 tuổi, là đứa trẻ duy nhất trong gia đình vẫn còn đi học, sau khi cả hai anh trai đều bỏ học. Cha của đứa bé chia sẻ: “Mua gói dữ liệu cho điện thoại thật khó khăn” và Almana cũng bộc bạch: “Đôi khi cháu nghỉ học nhiều tuần liền mặc dù đã nhận được điện thoại từ một tổ chức tình nguyện”. Kết quả học tập sử dụng kỹ thuật số không được thông báo rõ ràng, cả Almana và Sonali đều không nhận được báo cáo cuối năm hay bảng điểm, mặc dù đã hoàn thành các bài thi và được lên lớp.

Zimbabwe: Phụ huynh chật vật trả học phí tăng cao

Giữa cái nóng oi ả của tháng 9, một nhóm nam sinh đang tranh giành quả bóng nhựa trên con phố đầy bụi ở Mbare, một trong những thị trấn lâu đời nhất của Zimbabwe. Tanaka Maunganidze, 9 tuổi, rê bóng qua về phía khung thành, ghi bàn trong niềm vui sướng. Tanaka là ngôi sao của đội và đây là thói quen hàng ngày của cậu kể từ khi các trường học đóng cửa vào tháng 3 năm nay, khi Zimbabwe bước vào đợt Covid-19 thứ ba. Theo Unicef, đại dịch Corona đã ảnh hưởng đến việc học tập của 4,6 triệu trẻ em ở Zimbabwe.

Virginia Chitakunya, 42 tuổi, một người bán quần áo, đang phơi giày cho các con trai chuẩn bị đi học trở lại. Các bậc phụ huynh có chưa đầy một tuần để chuẩn bị cho con đi học và học phí tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều người không đủ khả năng gửi trẻ đến trường. Chitakunya cho biết: “Tôi chưa sẵn sàng cho việc mở lại trường học, tiền tiết kiệm của tôi không đủ để trả học phí. Tôi sẽ phải đến và xin hiệu trưởng cho khất học phí”. Bà mẹ 5 con này kiếm được 10 đô la một ngày không đủ để nuôi gia đình chưa nói đến đóng tiền học. Cô thở dài: “Tiền sẽ không bao giờ là đủ đối với chúng tôi ở đây. Tôi cần đảm bảo cho con đi học trở lại, tôi cũng biết rằng không đi học sẽ phá hủy tương lai của chúng nhưng các khoản học phí tăng lên, tôi phải chạy vạy khắp nơi”.

Hầu hết các bậc cha mẹ ở Mbare chia sẻ mặc dù không đủ khả năng cho con đi học lại trong kỳ này nhưng họ tin rằng mở lại các lớp học là cách để cứu trẻ khỏi nạn ma túy phổ biến ở thị trấn nghèo. Ngoài nghèo đói, lạm dụng chất gây nghiện như ma túy đá cũng là mối nguy hiểm đối với các gia đình, đẩy tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở nước này tăng cao. Chính phủ cho biết, do trường học không mở cửa trong thời gian dài, hàng nghìn bé gái vị thành niên đã mang thai và kết hôm sớm.

“Người học đang đứng trước bờ vực mất quyền được học hành vì chính phủ không sẵn sàng trả lương đủ sống cho giáo viên”, Obert Masaraure, Chủ tịch của Hiệp hội Giáo viên Nông thôn Hợp nhất cho biết, những người này không đủ khả năng để trả học phí hoặc thậm chí cần chính phủ can thiệp vì thu nhập của phụ huynh đã bị xói mòn bởi lạm phát. Để giúp trẻ em bắt kịp việc học, chính phủ đã gia hạn thời hạn thêm một tháng. Nhưng có thể đưa Tanaka rời sân bóng và đến lớp, cha mẹ cậu bé phải đối mặt với một cuộc đấu tranh để trang trải học phí.

Burkina Faso: Các bài học trên radio

Mariam, một cô gái 14 tuổi sống ở vùng Trung tâm Nord của Burkina Faso, từng thích đến trường trước khi Covid-19 tấn công đất nước Tây Phi vào mùa Xuân năm ngoái. Trường học đóng cửa, cô bé tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với việc học của mình. Cuối cùng, Mariam đã có thể quay trở lại việc học qua đài phát thanh và một chương trình đào tạo từ xa mà chính phủ triển khai cho trẻ em trên khắp đất nước. Mariam nói về các thầy cô giảng bài trên radio: “Họ rất tốt vì họ cho phép chúng cháu duy trì học tập”. Giờ đây, khi đất nước chuẩn bị mở cửa trở lại nhiều trường học nhất có thể từ ngày 1 tháng 10, cô bé hy vọng các lớp học trên đài phát thanh sẽ cung cấp đủ kiến ​​thức cơ bản để trở lại lớp học dễ dàng hơn. “Nhờ chương trình này, cháu nghĩ rằng có thể đi học lại vào tháng 10”.

Giáo viên của Mariam là Armand chia sẻ, các lớp học trên đài phát thanh giúp ngăn những đứa trẻ như Mariam bỏ học. Chương trình học qua radio đã được mở rộng đáng kể kể từ sau đại dịch và hiện là một phần trong kế hoạch trị giá 11 triệu bảng của Bộ Giáo dục nhằm đảm bảo “tính liên tục giáo dục” cao hơn. Động thái này được hoan nghênh rộng rãi, không chỉ vì sự lo lắng đối với Covid mà vì đất nước này vẫn đang phải đối phó với các cuộc tấn công bạo lực khiến các trường học phải đóng cửa trong sáu năm qua.

Dabla Touré, một chuyên gia giáo dục của Unicef, hỗ trợ triển khai các bài học, cho biết điều quan trọng là cần phải tiếp tục chương trình. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các khu vực của Burkina Faso đã phải vật lộn để bảo vệ trẻ em trong lớp học khi các nhóm vũ trang tấn công vào trường học, học sinh và giáo viên. Theo Bộ Giáo dục, tháng 1 và tháng 2 năm 2020, hơn 330.000 học sinh đã nghỉ học. Tình hình hầu như không được cải thiện. Tính đến cuối tháng 5, 2.244 trường học vẫn đóng cửa, ảnh hưởng đến hơn 300.000 học sinh và gần 12.500 giáo viên. Chuyên gia Issoufou Ouedraogo làm việc cho Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhận định giáo dục từ xa không thể thay thế giảng dạy trực tiếp: “Thay vào đó, chúng tôi có thể sử dụng phát radio như một giải pháp thay thế ở những nơi không thể giáo dục trực tiếp. Ví dụ, chúng tôi có một số khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang. Tại đây, các trường học đã bị đóng cửa, các giáo viên được tái bố trí. Rất nhiều học sinh không nhận được bất kỳ hình thức giáo dục nào”.

TL