1 - Thất bại là đòn bẩy cho sự tiến bộ
Ray Dalio đã tự mình thành lập nên một trong những Quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates từ khi ông còn trẻ. Tuy nhiên, con đường này không trải đầy hoa hồng. Ở tuổi 30, ông đã đưa ra một quyết định sai lầm khiến ông mất tất cả chỉ sau một đêm. Trong cuốn sách "Principles: Life and Work" (tạm dịch: Các nguyên tắc: Công việc và cuộc sống), Ray Dalio viết: "Cảm giác của tôi giống như việc bị gậy bóng chày đập liên tiếp vào đầu. Có quá nhiều lỗi lầm khiến tôi phải trả giá bằng cả sự nghiệp, thậm chí là nguy cơ đánh mất tất cả những gì tôi đã tạo dựng cho Bridgewater".
Khi nhìn lại thời kỳ đen tối của đời mình, Ray Dalio nhận ra rằng, mọi thứ đều có thể bất chợt mất đi. Với tinh thần cầu tiến, ông đã tự mình vực dậy, trải nghiệm này giúp ông nhận ra rằng, bản thân không nên quá tự cao, cần biết nhìn nhận và sửa chữa lỗi lầm để phát triển hơn.
2 - Minh bạch là mấu chốt của đầu tư
Vào đầu thập niên 90, Ray Dalio tự tin rằng bản thân có thể nâng tầm và cải thiện hoạt động của Bridgewater. Tuy nhiên, không lâu sau, ba CEO cấp cao khác của Quỹ phòng hộ đã gửi cho Ray Dalio một lá thư. Trong thư, họ cho rằng, dù Ray làm việc tốt, nhưng cách làm việc và lời nói của ông khiến nhân viên cảm thấy không được tôn trọng và chịu áp lực nặng nề.
Từ đó, ông nhận ra rằng, trong mọi tình huống, dù cấp bách đến đâu, văn hóa doanh nghiệp vẫn cần được duy trì và phát huy. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề phân biệt đối xử, sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khác. Vì vậy, Ray Dalio khuyên các chủ doanh nghiệp hãy luôn xác định rõ các giới hạn và đặt ra tiêu chí để giải quyết vấn đề một cách minh bạch.
Theo quan điểm của tỷ phú Ray Dalio, sự công khai và minh bạch tuyệt đối sẽ tạo ra môi trường làm việc trung thực. Sự trung thực này kết hợp với các yếu tố khác sẽ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn và từ đó nâng cao năng suất hoạt động của công ty.
3 - Không để bản thân phụ thuộc vào yêu cầu của người khác
Ray Dalio thừa nhận rằng, khi còn nhỏ ông không thích đến trường vì không thấy các lý thuyết được dạy có ứng dụng thực tiễn. Thay vào đó, ông chọn con đường riêng để đạt thành công, bắt đầu bằng việc tự kiếm sống qua các công việc như cắt cỏ, sửa chữa và giao báo. Ở tuổi 12, Ray đã mua những mã cổ phiếu đầu tiên, minh chứng cho câu nói "sự chăm chỉ sẽ mang lại thành quả xứng đáng".
Ngọc Chi (t/h)