Các doanh nghiệp gia đình được xem như xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo dữ liệu từ Family Firm Institute (Viện Doanh nghiệp gia đình), ước tính hàng năm, các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 70 - 90% vào GDP toàn cầu và tạo ra 50 - 80% việc làm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo cuộc khảo sát toàn cầu về thế hệ kế nghiệp 2019, trong đó có Việt Nam được PwC tiến hành mới đây đã đem đến những thông tin đáng suy ngẫm.
Theo đó, gần một nửa thế hệ kế nghiệp Việt Nam đang đóng góp tích cực vào các doanh nghiệp gia đình, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức độ tham gia ghi nhận được trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (73%) và trên thế giới (70%). Xét ở góc độ tích cực thì đây là con số đáng khích lệ - khi đại đa số thế hệ kế nghiệp được khảo sát tại Việt Nam ở độ tuổi trung bình từ 21 - 34, cùng với đó là tới 27% có kế hoạch tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp gia đình trong vòng 5 năm tới, con số này cao gấp đôi tỷ lệ chung 13% của châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia ngày một sâu hơn vào hoạt động doanh nghiệp, thế hệ kế nghiệp Việt Nam mang nhiều tham vọng được nắm giữ vị trí dẫn đầu để mang đến những thay đổi trong doanh nghiệp trong 5 năm tới.
Hiện 16% những người tham gia khảo sát đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành doanh nghiệp, con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025, ở mức 38%.
Những tham vọng kể trên cũng tương quan với việc có tới 60% trong số họ tự tin rằng có năng lực để đóng góp giá trị trong việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa phương pháp quản lý cho doanh nghiệp.
Ðiều này được coi là ưu tiên kinh doanh hàng đầu đối với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để doanh nghiệp có thể thích ứng với môi trường kinh doanh trong tương lai.
Có thể thấy, là thế hệ của thời đại công nghệ, lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có nhận thức rõ rệt về vai trò của công nghệ đối với doanh nghiệp.
Tại nhiều công ty, các ông chủ đang giao trọng trách cho các con của mình. Cuộc chuyển giao quyền lực ấy đã và đang diễn ra tại các công ty, tập đoàn lớn như Hòa Bình, Thành Thành Công, Nam Cường, Mường Thanh, ACB, SeABank…
Hòa Bình Corporation
Mới đây, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã chuyển giao thế hệ lãnh đạo, một trong những bước chuyển quan trọng của Hòa Bình kể từ khi thành lập công ty đến nay.
Vào tháng 7/2020, Hòa Bình đã ra nghị quyết bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu làm Tổng giám đốc, thay cha của mình là ông Lê Viết Hải. Trong suốt 33 năm từ khi thành lập công ty, ông Hải luôn là “đầu tàu” vững chắc của doanh nghiệp này.
Ông Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tại trường đại học California Polytechnic State, San Luis Obispo, Mỹ. Trước khi về công ty gia đình, ông Hiếu từng công tác tại ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Không chỉ ông Hải mà các đại gia khác như Đặng Văn Thành, Lê Thị Thúy Ngà, Nguyễn Thị Nga, Lê Thanh Thản… cũng đã giao trọng trách cho các con của mình điều hành cơ nghiệp như:
Tập đoàn Mường Thanh
Trong lĩnh vực địa ốc, nhắc đến Tập đoàn Mường Thanh nhiều người nghĩ ngay đến đại gia Lê Thanh Thản. Cùng với cô con gái của ông là bà Lê Thị Hoàng Yến, hiện bà Yến đang là cánh tay đắc lực của ông Thản.
Bà Yến thuộc thế hệ cuối 8X, là chị cả trong số ba người con của đại gia Lê Thanh Thản. Trước khi quyết định về Việt Nam nối nghiệp kinh doanh của cha, bà từng có bảy năm tu nghiệp ở nước ngoài.
Năm 2013, bà Yến chính thức giữ trọng trách Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh thay cho cha của mình. Bà Yến đã trở thành Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn tư nhân có quy mô lớn tại Việt Nam giữa bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Tập đoàn Nam Cường
Trần Thị Quỳnh Ngọc là con gái của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm Lê Thị Thúy Ngà.
Bà Ngọc có tám năm học tập tại Anh Quốc chuyên ngành địa lý kinh tế và quản trị kinh doanh. Bà trở thành người kế nghiệp ở tập đoàn khi cha bà qua đời năm 2010. Năm 2012, bà Ngọc giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường cho đến nay.
Tập đoàn Thành Thành Công
Ái nữ đại gia Đặng Văn Thành, bà Đặng Huỳnh Ức My, cũng tham gia trực tiếp điều hành doanh nghiệp gia đình. Bà My sinh năm 1981, đang giữ chức Phó Chủ tịch tập đoàn, chuyên trách mảng kinh doanh mía đường. Bà My còn được gắn với danh xưng “công chúa mía đường”.
Ngoài bà My, ông Đặng Hồng Anh cũng được ông Thành giao vị trí quản lý tập đoàn từ rất sớm. Hiện ông Anh đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC và nhiều vị trí quan trọng khác trong hệ sinh thái TTC.
Tính đến ngày 24/7/2020, bà Đặng Huỳnh Ức My đang sở hữu khối tài sản tương đương 1.452 tỷ đồng, đứng thứ 45 trong danh sách người giàu thị trường chứng khoán Việt.
Golf Long Thành
Trong số những người kế nghiệp có nữ doanh nhân Lê Nữ Thùy Dương. Bà Dương là một trong hai người con của đại gia Lê Văn Kiểm. Hiện bà Dương đang là Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Golf Long Thành.
CEO 7X này cũng đang nắm giữ vị trí Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Đức, đối tác của Capital Land trong các dự án bất động sản như The Vista, Vista Verde, The Feliz en Vista tại quận 2, TP.HCM.
Bà Dương tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Australia và đã hoàn tất chương trình MBA tại trường Quản lý Maastricht tại Hà Lan.
Bà Dương làm Phó tổng giám đốc doanh nghiệp gia đình từ năm 2003. Sau 12 năm làm việc tại công ty, bà Dương mới được trao quyền Tổng Giám đốc điều hành từ 2015 đến nay.
Ngoài những “cậu ấm, cô chiêu” được đề cập ở trên còn có các thế hệ F2 được chuyển giao ở các đế chế quyền lực khác như ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch ACB, bà Lê Thu Thủy – CEO tại SeABank, Vưu Lệ Quyên - Phó Tổng Giám đốc Biti’s, hai chị em Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
TH