Công ty mẹ TikTok tích cực tham gia cuộc đua về trí tuệ nhân tạo

22:32 11/06/2023

Vì các dịch vụ như ChatGPT không khả dụng ở Trung Quốc, có vẻ như các tập đoàn công nghệ của quốc gia này hiện tích cực tăng cường đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

ByteDance, công ty đứng sau TikTok nổi tiếng, đang thử nghiệm một chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo giữa các nhân viên của mình. Nỗ lực này khiến công ty trở thành một phần của cuộc đua AI, cũng có sự tham gia của Baidu và Alibaba, để phát triển phiên bản ChatGPT tại địa phương.

Dự án AI của ByteDance đã được đặt tên là Grace. "Đây là một chatbot trí tuệ nhân tạo thử nghiệm vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chỉ dành cho thử nghiệm nội bộ”, một đại diện của ByteDance cho biết.

Chatbot đã được xây dựng trong Feishu - nền tảng cộng tác doanh nghiệp của ByteDance, theo một người thử nghiệm giấu tên đã trải nghiệm dịch vụ này vào tháng trước. Người này cho biết, việc thử nghiệm chỉ dành cho một nhóm nhân viên được chọn trong thời điểm hiện tại.

Đây sẽ là lần thứ hai ByteDance cố gắng bắt kịp xu hướng AI, khi các công ty trên toàn thế giới tìm cách bắt kịp thành công từ ChatGPT của OpenAI, được ra mắt vào năm ngoái. 

Vào tháng 5, công ty đã cho biết họ đang "ở giai đoạn đầu" khám phá một chatbot có tên Tako, một công cụ hỗ trợ AI để trợ giúp tìm kiếm nội dung trên ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok. Công cụ này đang thử nghiệm tại Philippines.

TikTok sẽ có được rất nhiều thành công thương mại nhờ các đề xuất thuật toán phổ biến, hướng người dùng đến nội dung liên quan mà họ có thể muốn xem.

Kể từ khi thành lập vào năm 2012, ByteDance đã là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực AI, đứng đằng sau các thuật toán cung cấp nội dung được tuyển chọn cho người dùng dựa trên sở thích và hoạt động của họ. Tất cả các sản phẩm chủ lực, bao gồm cả công cụ tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, đều sử dụng hệ thống đề xuất do AI cung cấp độc quyền này, thường được gọi "bí mật thuật toán" của ByteDance.

Công ty cũng áp dụng AI để tối ưu hóa video, phát triển các bộ lọc và hiệu ứng đặc biệt để giải trí cho người dùng video ngắn.

Vì các dịch vụ AI như ChatGPT không khả dụng ở Trung Quốc, có vẻ như các tập đoàn công nghệ của quốc gia này hiện tích cực tăng cường đầu tư vào lĩnh vực AI tổng quát nhằm giành giật thị phần, đặc biệt là sau khi ChatGPT cho thấy tiềm năng ấn tượng của mình kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái.

Thu Phương (t/h)