Công ty mẹ TikTok dự kiến chi hơn 12 tỷ USD cho lĩnh vực AI trong năm 2025 |
Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, công ty mẹ của nền tảng truyền thông xã hội TikTok, đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) với kế hoạch chi hơn 12 tỷ USD cho lĩnh vực này trong năm 2025.
Báo Financial Times ngày 21/1 đưa tin ByteDance dự kiến chi 40 tỷ Nhân dân tệ (5,5 tỷ USD) để mua chip AI tại Trung Quốc trong năm nay.
Ngoài ra, tập đoàn còn dự định đầu tư khoảng 6,8 tỷ USD ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực đào tạo các mô hình nền tảng của mình, sử dụng chip tiên tiến của Nvidia - công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ chuyên về xử lý đồ họa và AI.
Khoảng 60% đơn hàng mua chip AI của ByteDance sẽ được giao cho các nhà cung cấp như Huawei và Cambricon, số còn lại tập trung vào các dòng chip đã cắt giảm tính năng của Nvidia.
Theo nguồn tin của Reuters, khoản chi này sẽ giúp ByteDance bảo vệ vị trí dẫn đầu về AI tại quê nhà Trung Quốc. Bắt đầu năm 2024 với tư cách là hãng tụt hậu, ByteDance hiện có hơn 15 ứng dụng AI độc lập, gồm cả chatbot AI hàng đầu Doubao, nhiều hơn các đối thủ như Baidu và Tencent Holdings.
Khoản tiền này cũng sẽ củng cố các dịch vụ AI ở nước ngoài vào thời điểm ByteDance đang đối mặt với tương lai không chắc chắn của TikTok tại Mỹ. Hôm 20/1, vài giờ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp trì hoãn 75 ngày thực thi luật liên bang yêu cầu các công ty Mỹ ngừng lưu trữ TikTok trừ khi ByteDance bán các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ.
Lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thực thi luật "để cho chính quyền của tôi có cơ hội xác định hướng hành động phù hợp với TikTok".
Tổng thống Trump cũng đề xuất ý tưởng tìm kiếm một thỏa thuận cho TikTok liên quan đến việc chia đôi quyền sở hữu 50-50 giữa ByteDance và Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lệnh của Tổng thống Trump có đủ để Apple và Google khôi phục TikTok trên cửa hàng ứng dụng tại Mỹ như App Store, Google Play hay không.
TikTok vẫn chưa khả dụng để tải xuống trên các thiết bị Apple và Android tại Mỹ.