Việc sáp nhập sẽ định hình lại "sân chơi" trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty công nghệ khu vực Đông Nam Á, giờ đây sẽ trở thành cuộc chiến tay ba giữa Sea Group, Grab và Go To Group (thực thể sáp nhật của Gojek và Tokopedia).
Gojek và Tokopedia đã công bố trong một thông cáo tin tức chung rằng họ đã "kết hợp hoạt động kinh doanh của mình."
Các công ty đã bắt đầu thảo luận về một khả năng sáp nhập vào đầu năm nay và các cuộc đàm phán đã tăng tốc vào đầu tháng 4 khi cả hai bên chuyển sang tìm kiếm sự chấp thuận từ các nhà đầu tư của họ.
Trong số các cổ đông của họ có gã khổng lồ công nghệ của Mỹ Google và nhà đầu tư nhà nước Temasek của Singapore. Các nhà đầu tư khác vào Gojek bao gồm Facebook - công ty đã đầu tư vào chi nhánh thanh toán; công ty cổ phần tư nhân toàn cầu KKR cũng như tập đoàn Astra International của Indonesia. Cổ đông lớn nhất của Tokopedia là SoftBank, theo sau là gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
Gojek ban đầu tổ chức các cuộc thảo luận về việc sáp nhập với Grab vào năm ngoái, nhưng thỏa thuận này đã đổ bể do họ không thể đạt được thỏa thuận về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một pháp nhân kết hợp. Kể từ đó, Grab đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay còn gọi là SPAC để tìm kiếm mức định giá 39,6 tỷ USD, đây sẽ là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của loại hình này.
Việc sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia sẽ ít nhiều phải đối mặt với sự giám sát của pháp luật hơn so với sáp nhập Gojek-Grab, vì sự chồng chéo kinh doanh của họ bị hạn chế.
Quyết định này được đưa ra khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ trong khu vực đang nóng lên, đặc biệt là khi Sea xâm nhập mạnh mẽ vào các lĩnh vực từng là nền tảng cơ bản của Gojek và Tokopedia.
Sea, công ty công nghệ lớn nhất khu vực tính theo giá trị vốn hóa thị trường, đã mở rộng sang các lĩnh vực như thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm bằng cách cung cấp các chương trình khuyến mại tích cực, được hỗ trợ bởi nguồn tiền khổng lồ từ các nhà đầu tư.
Thỏa thuận SPAC của Grab nẳm trong nỗ lực giành lại thị phần mà Sea đã chiếm lĩnh suốt thời gian qua, đồng thời tìm kiếm một khoản tài trợ để giúp công ty tồn tại trong cuộc canh tranh ngày một gay gắt này. Các công ty công nghệ khác như công ty khởi nghiệp du lịch kỹ thuật số Traveloka của Indonesia cũng đang tìm cách niêm yết.
Go To Group cũng sẽ nhắm tới việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, cả ở Mỹ và thị trường quê nhà Indonesia. Các nguồn tin cho biết, khi công khai, họ sẽ hướng tới mức định giá tương đương hoặc cao hơn Grab, vì pháp nhân sẽ có một nhánh thương mại điện tử, điều này sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tiềm năng nhờ cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn.
Lyly (Theo Nikkei Asia)