Thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung đã quay lại trạng thái ổn định hơn vào thứ hai, khi kỳ nghỉ lễ tại Nhật Bản đã loại bỏ một nguồn biến động gần đây, và các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu kinh tế chính của Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Điểm then chốt đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư, với việc các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng 0,2% và chỉ số cốt lõi hàng năm sẽ chậm lại ở mức 3,2%.
Các nhà phân tích tại Barclays cho biết trong một lưu ý: "Điều này có thể củng cố niềm tin của Fed rằng tình trạng giảm phát đang diễn ra và cho phép một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, lãi suất cốt lõi vẫn đang được duy trì cao hơn mục tiêu sẽ phản ánh việc cắt giảm nhiều hơn 50 điểm cơ bản hoặc nhiều đợt cắt giảm hơn trong các cuộc họp sau đó".
"Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng mạnh 0,8% theo tháng, cho thấy động lực của nền kinh tế và người tiêu dùng tiếp tục phục hồi nhờ vào các yếu tố cơ bản vững chắc về thu nhập và tài sản".
Ngoài doanh số bán lẻ tháng 7, còn có dữ liệu về sản lượng công nghiệp và khởi công xây dựng nhà ở, cùng với một số cuộc khảo sát về sản xuất khu vực và tâm lý người tiêu dùng.
Thị trường hợp đồng tương lai hiện đặt cược 49% khả năng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9, mặc dù con số này đã giảm từ 100% vào tuần trước khi cổ phiếu Nhật Bản rơi tự do.
Hợp đồng tương lai Nikkei hiện giao dịch ở mức 35.570 so với mức đóng cửa 35.025, dù vậy chỉ số này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục trở lại mức trước khi lao dốc vào tuần trước.
Chỉ số toàn diện nhất của cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản MSCI tăng 0,3%, dẫn đầu là mức tăng 1,5% tại Đài Loan. Các cổ phiếu blue chip của Trung Quốc duy trì ổn định và không có sự dao động đáng kể nào.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 tăng 0,5% và hợp đồng tương lai FTSE tăng 0,4%. Hợp đồng tương lai S&P 500 và hợp đồng tương lai Nasdaq đều tăng 0,1% với giao dịch mỏng. Cho đến nay, khoảng 91% các công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo thu nhập. Kết quả kinh doanh từ Walmart và Home Depot trong tuần này cũng sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về cách người tiêu dùng Hoa Kỳ đang chống đỡ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ công bố số liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vào thứ năm. Dự kiến, kết quả sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới tiếp tục hoạt động kém hiệu quả, nhấn mạnh nhu cầu kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn.
Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la tăng nhẹ 0,3% lên 147,08 yên và thoát khỏi mức thấp nhất của tuần trước là 141,68, trong khi đồng euro ổn định ở mức 1,0919 đô la.
Chiến lược gia Shusuke Yamada của BofA FX cho rằng, việc hủy bỏ vội vã các giao dịch chênh lệch lãi suất của đồng yên (vay với lãi suất thấp để mua tài sản có lợi suất cao hơn) hầu hết đã chấm dứt với các vị thế bán khống đồng yên đã giảm 60%.
"Dòng chảy dài hạn, mang tính cấu trúc từ đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp và quyền sở hữu cổ phiếu quốc tế của các nhà đầu tư cá nhân sẽ khiến đồng yên yếu đi", ông nói thêm, và dự kiến đồng đô la sẽ ở mức 155,00 yên vào cuối năm. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch IMM cho thấy các vị thế bán ròng theo tỷ giá đô la/yên đã giảm xuống còn 11.354 so với con số 184.000 vào đầu tháng 7.
Lân Nguyễn (t/h)