Cô gái Tày đưa nông sản Tây Bắc về với Đà Nẵng

08:01 04/06/2021

Khi nói đến nông lâm sản sạch vùng cao Tây Bắc là người ta nhớ ngay đến chị Huyền (Lục Yên, Yên Bái) đặc biệt tại Hội chợ nông sản Đà Nẵng năm 2021 do Hội Nông dân quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua. Với mục tiêu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021.

Sinh ra từ một huyện miền núi vớ nhều đặc sản nông, lâm thêm vào đó có bề dày văn hóa truyền thống nên chị Âu Thị Huyền (33 tuổi, quê tại thôn Chang Pồng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) dân tộc tày đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng mở cửa hàng chuyên cung cấp nông sản, đặc sản từ núi rừng tại vùng Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam thông qua những sản phẩm bản địa đã làm say lòng người. 

  Gần 100 sản phẩm uy tín, chất lượng, mẫu mã đẹp góp mặt tại Hội chợ nông sản Đà Nẵng.

Nói về cái duyên về đặc sản Tây Bắc vợ chồng chị Huyền chia sẻ từ năm 2012 vợ chồng chị đi khắp Tây Bắc và miền Trung và từ đó khởi nghiệp “bán hàng”. Đến tháng 4/2018 nhân chuyến đi du lịch Đà Nẵng, vợ chồng anh Chuông thấy con người Đà Nẵng thân thiện, văn minh nên đã quyết tâm dừng chân tại Đà Nẵng với ước mơ khởi nghiệp bằng nông sản quê hương nên quyết tâm gắn bó lâu dài. Chị cũng chia sẻ thêm hiện nay cuộc sống con người  đứng trước mối lo về thực phẩm bẩn, thực phẩm đầy hóa chất. Trong khi những sản phẩm sạch từ người miền núi ít được người tiêu dùng ở miền xuôi hay thành phố tiếp cận. Cùng với sự mai một của các làng nghề, các giá trị văn hóa bản địa bị phai nhạt… nên chị Huyền và chồng đã nghĩ đến việc cần làm cầu nối để nông sản  miền núi đến được với người tiêu dùng đồng bằng, phố thị, đặc biệt là mang giá trị của núi rừng đến với thị trường TP. Đà Nẵng. 

  Sắc màu các dân tộc Tây Bắc tại các Hội chợ TP. Đà Nẵng.

Hiện nay vợ chồng chị lập một cửa hàng có tên “Hoa Ban Farms” bày bán các nông, lâm, thổ sản vùng cao Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam tại số 135 Nguyễn Du (Q. Hải Châu, TP.Đà Nẵng), với hơn 100 sản phẩm do bà con sản xuất hay hái từ rừng, vườn nhà; Những tấm vải thổ cẩm do chính tay đồng bào các dân tộc vùng cao dệt lấy cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Bắc qua các món ăn như thịt trâu xông khói, xôi nếp nương ngũ sắc, các loại bánh truyền thống, các loại trái cây đặc sản như mận Mộc Châu- Sơn La, hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng)…

Với tấm lòng của một người con yêu quê hương, Âu Thị Huyền cùng chồng mang những sản vật của quê hương đi đến nhiều vùng miền trên cả nước để bán. Hiện tại, sản phẩm của Hoa Ban Frams có mặt tại  thành phố Đà Nẵng và nhiều vùng nông thôn, thành thị khác thông qua các Hội chợ, bán hàng online, được người tiêu dùng và du khách hoan nghênh.Hoa Ban Farms luôn hưởng ứng và thường xuyên tham gia các "Phiên chợ hàng Việt" "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình khởi nghiệp tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, góp phần giới thiệu các mặt hàng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào vùng cao đến với người tiêu dùng.

Vũ Văn Tiến