Chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp Cần Thơ

20:51 12/01/2023

Chuyển đổi số là hoạt động mà ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm minh bạch hóa trong quá trình sản xuất nông sản, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chiều 11/1/2023, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch 2023. 

Ảnh minh họa
Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ năm 2022 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2023.

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu trong ngành Nông nghiệp… Do vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay. Chuyển đổi số là một trong những hoạt động mà ngành nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm minh bạch hóa trong quá trình sản xuất nông sản, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ngành Nông nghiệp Cần Thơ triển khai các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và tham mưu UBND thành phố ban hành các kế hoạch về chuyển đối số. Chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp cơ quan liên quan xây dựng Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; tiếp và làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của thành phố; tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành phố Cần Thơ năm 2022 với hơn 150 đại biểu tham dự…

Qua đó, đã thống kê hướng dẫn truy xuất nguồn gốc điện tử 204 sản phẩm của 147 cơ sở nông nghiệp, bao gồm: cá thát lát, cá tra, lúa, gạo, trà mãng cầu, tổ yến, trái cây,... là một trong những sản phẩm chủ lực, được phân phối trên các tỉnh thành trên toàn quốc và có tiềm năng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Cần Thơ. Đưa 105 sản phẩm của 82 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã lên Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố cần Thơ.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử “chonongsancantho.vn”. Hiện nay, đã có 45 đơn vị đăng ký, gồm: 25 công ty sản xuất chế biến; 67 Hợp tác xã; 11 cơ sở sản xuất kinh doanh và 01 Trung tâm; có 138 sản phẩm tham gia và có 29.823 lượt truy cập. Đến nay, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử với trên 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn Thương mại điện tử.

Ngành Nông nghiệp Cần Thơ cũng đang tiến hành xây dựng và triển khai phần mềm quản lý khách hàng, app ghi chỉ số nước, thu tiền nước trên điện thoại thông minh; phần mềm quản lý tài sản trạm cấp nước online – tích hợp app quản lý sử dụng tài sản, quản lý sự cố các trạm cấp nước trên lĩnh vực nước nông thôn.

Tuy nhiên, tình hình ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp tại TP Cần Thơ đang ở giai đoạn bắt đầu, quy mô và số lượng chưa nhiều. Trong đó có một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu, như rau thủy canh; tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; quan trắc khí tượng thủy văn tự động…  

Ảnh minh họa
Lãnh đạo tỉnh Cần Thơ trao tặng Giấy khen cho tập thể cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dữ liệu về thị trường; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất (nhận diện, phòng chống sinh vật gây hại, dinh dưỡng, bệnh cây trồng - vật nuôi). Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp… đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý hệ thống dự báo, cảnh báo về thời tiết, dịch bệnh, thị trường, quản lý quy hoạch; hệ thống quản lý mã vùng sản xuất gắn với nhật ký sản xuất truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ… Nâng cao nhận thức và trình độ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ.

Trong dịp này lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần thơ đã trao tặng 10 Giấy khen tập thể và 30 Giấy khen cá nhân cho đội ngũ cán bộ nhân viên Chi cục Thủy sản có thành tích cao trong công tác bảo vệ và và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.

Đặng Hồng Lương