Chủ tịch VINASME: Doanh nghiệp cần vươn lên, làm mới mình và bứt phá trong năm 2021

17:17 26/02/2021

Đại dịch COVID-19 là một bài test giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân thấm thía hơn tầm quan trọng của yêu cầu phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, về sự nhanh nhạy, uyển chuyển để thích ứng, tồn tại trên thị trường...

TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME.

COVID-19 là bài test về sự thích ứng của doanh nghiệp

Nhận định về những khó khăn của DN trong năm 2021, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: Năm 2021 được xem là năm "bản lề" của một giai đoạn mới. Đó là giai đoạn của nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Tuy nhiên, đến nay Đại dịch COVID-19 vẫn là một “ẩn số” đã đang và sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Dự báo, những tác động này sẽ còn kéo dài trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu kết thúc của dịch bệnh, đòi hỏi sự nỗ lực, đồng lòng của của cả hệ thống chính trị, DN và người dân, để vừa chống dịch an toàn vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dưới tác động của Đại dịch COVID-19, nhiều xu hướng lớn đã có sự thay đổi về tính chất và mức độ, ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Bối cảnh thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn do tác động của dịch COVID-19.

Trước việc "tái định hình" các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại sau Đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi hơn xuất phát từ sự thay đổi của các điều kiện tham gia chuỗi. Bảo hộ thương mại và xung đột thương mại có xu hướng tăng mạnh trong và sau COVID-19 có thể thúc đẩy dịch chuyển vốn và gia tăng cơ hội thương mại với một số đối tác, nhưng cũng đưa Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro, thách thức hơn…DN sẽ phải chịu áp lực về cạnh tranh bởi các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới có cơ cấu sản phẩm tương đồng với Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng ở hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Trong khi đó, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của nước ta còn hạn chế và nền sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu…

Tuy nhiên, song hành với thách thức cũng là những cơ hội để cộng đồng DN vươn lên, làm mới mình và bứt phá trong năm 2021. Tác động từ Đại dịch COVID-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như: chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics… đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm chủ lực.

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục “ăn mòn” doanh thu, lợi nhuận của các DN. Trong khó khăn cũng là lúc mà từng ngành hàng, từng DN phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Dịch bệnh xảy ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... đã dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của hầu hết các DN. Vì vậy, các DN buộc phải đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trong trung và dài hạn, bởi sau đại dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị. 

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục “ăn mòn” doanh thu, lợi nhuận của các DN. Trong khó khăn cũng là lúc mà từng ngành hàng, từng DN phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ.
Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục “ăn mòn” doanh thu, lợi nhuận của các DN. Trong khó khăn cũng là lúc mà từng ngành hàng, từng DN phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. (Ảnh: Internet)

Những loại hình DN không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh cùng với phương pháp chiến lược kinh doanh, phương pháp tổ chức của DN phù hợp thì đấy là cơ hội… còn những DN bị tác động quá lớn như DN thuộc các ngành hang không, du lịch, F&B thì dẫu dù Chính phủ, DN nỗ lực đến mấy thì cũng phải chịu. Điều này không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới.

"Qua đại dịch cũng là một bài test giúp cộng đồng DN, doanh nhân thấm thía hơn tầm quan trọng của yêu cầu phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, về sự nhanh nhạy, uyển chuyển để thích ứng, tồn tại trên thị trường. Vốn dĩ DNNVV là đối tượng dễ thích nghi với tùng hoàn cảnh khác hơn nhiều so với DN lớn và qua đại dịch là điều kiện, thời điểm tôi luyện doanh nghiệp, ý chí, giỏi giang, khả năng thích ứng và thậm chí có thể sử dụng từ dân dã là “lỳ đòn” của DN, chủ DN", Chủ tịch VINASME nhấn mạnh.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” Covid-19

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Thân, để giúp đỡ các DN vượt qua “cơn bão” Covid-19 một cách thiết thực nhất, đồng hành cùng Chính Phủ, VINASME bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, hành động kịp thời của Chính phủ, Hiệp hội đã chủ động kết nối các hội viên DN được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua  hàng loạt các hoạt động, hội thảo, chương trình ký kết với các ngân hàng, tổ chức quốc tế mà mới đây nhất là ký kết hợp tác chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và VINASME nhằm mục đích hỗ trợ các DN hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Năm 2020, VINASME cũng đã phối hợp cùng với ADB đã thực hiện một cuộc khảo sát về tác động của COVID -19 gây ra đối với DNNVV. Trên cơ sở các dữ kiện khảo sát được, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị để giúp các DNNVV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID -19, tôi với tư cách là Chủ tịch VINASME đã tham mưu, đóng góp cho sự thành công của Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm Thuế TNDN. Tôi đề nghị dựa vào tiêu chí về DNNVV đã được xác định và giảm thuế cho toàn bộ DNNVV chứ không nên lựa chọn các DN theo hai tiêu chí “cùng dưới” nêu trên. Tinh thần là nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải tư duy mất hơn 15.800 tỷ đồng ngân sách và cần tránh tâm lý sợ phải hỗ trợ nhiều hơn cho DN lớn. Vì lẽ, hỗ trợ cho DN lớn sẽ làm lan tỏa lớn hơn, công bằng hơn. Tiếp thu đa số ý kiến các Đại biểu Quốc hội, so với phương án ban đầu, Quốc hội đã quyết định mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp, theo đó các DN có tổng doanh thu dưới 200 tỷ trong năm 2020 đều được giảm 30% thuế TNDN. Đặc biệt, Nghị quyết không còn khống chế số lao động dưới 100 người như phương án cũ”, Chủ tịch VINASME cho hay.

Đại diện cho đội ngũ DN, doanh nhân, TS. Nguyễn Văn Thân cho rằng, hiện DN vẫn còn rất khó khăn và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở DN, giúp DN tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển.

Cụ thể, về nguồn nhân lực, đề nghị xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ hỗ trợ tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Để tạo thuận lợi cho DN phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, cộng đồng DN hiện đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra DN, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Quan trọng nữa là Chính phủ cần xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ DN, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ trực tiếp trên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, nhất là các DNNVV, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, chúng tôi mong muốn xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, hỗ trợ các DN đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Mi Mi