Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đến tòa án ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 25/11. |
Ngày 25/11, tại Tòa án cấp cao Seoul, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 5 năm tù giam và phạt 500 triệu won đối với Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong trong phiên tòa phúc thẩm liên quan đến các cáo buộc sáp nhập không công bằng giữa Samsung C&T và Cheil Industries, cùng hành vi gian lận kế toán tại Samsung Biologics.
Theo Business Korea, đề nghị này được đưa ra sau 4 năm 2 tháng kể từ khi ông Lee bị truy tố vào tháng 9/2020 và 9 tháng sau khi tòa sơ thẩm tuyên ông vô tội vào tháng 2 năm nay.
Vào tháng 2, Tòa án Trung tâm Seoul đã tuyên bố ông Lee Jae-yong vô tội trong cáo buộc gian lận sổ sách và thao túng cổ phiếu, nhưng các công tố viên đã kháng cáo phán quyết đó, theo Reuters. |
Theo lập luận của Viện Kiểm sát, ông Lee cùng các bị cáo khác đã lợi dụng sự bất cân xứng về quyền và thông tin trong nội bộ tập đoàn để phục vụ lợi ích cá nhân, làm suy yếu các cơ chế kinh tế - xã hội. Họ nhấn mạnh rằng, phán quyết này sẽ là tiền lệ quan trọng cho các tập đoàn lớn về tái cấu trúc doanh nghiệp và minh bạch kế toán.
"Hành vi của bị cáo đã làm tổn hại các giá trị hiến định, vốn là nền tảng của công lý kinh tế và thị trường vốn", Viện Kiểm sát phát biểu. Họ cũng cáo buộc các bị cáo đã đánh lừa cổ đông khi tuyên bố rằng việc ủng hộ thương vụ sáp nhập là vì lợi ích quốc gia, trong bối cảnh có nhiều sự phản đối từ cổ đông.
Ông Lee và các cựu Giám đốc điều hành khác đã bị cáo buộc dàn xếp vụ sáp nhập giữa hai công ty liên kết của Samsung là Samsung C&T và Cheil Industries vào năm 2015 theo cách không phù hợp với lợi ích của các cổ đông thiểu số.
Trong thập niên qua, ông Lee, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của Tập đoàn Samsung, đã phải trải qua các vụ kiện tụng, án tù và những cuộc công kích từ quỹ đầu cơ nước ngoài Elliott về vụ sáp nhập các công ty liên kết vào năm 2015 mà đã giúp ông nắm quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tập đoàn Samsung, sau khi cha ông nhập viện do lên cơn đau tim vào năm 2014, theo Reuters.
Các phiên xét hỏi phúc thẩm, kết thúc hôm 25/11, diễn ra vào thời điểm ông Lee phải đối mặt với những nghi vấn ngày càng tăng về khả năng lãnh đạo Samsung, khi tập đoàn đang gặp tình trạng lợi nhuận chậm lại và giá cổ phiếu giảm.
Samsung đang đối mặt với nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh của mình. |
Theo Financial Times, vị tỷ phú người Hàn Quốc đang phải dẫn dắt Samsung trong bối cảnh tập đoàn này phải vật lộn với những vấn đề trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn khổng lồ. Thời điểm này, Samsung cũng đang tụt hậu trong cuộc đua chip AI và chuẩn bị tiến hành cải tổ bộ máy quản lý.
Trong khi đó, công ty đang phải đối mặt với sự bất mãn từ phía nhân viên - khi công đoàn lao động của Samsung Electronics lần đầu tiên đình công vào tháng 7 do tranh chấp về tiền lương và điều kiện làm việc.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và viễn cảnh bất ổn thương mại cũng đã gây ra sự bất ổn cho triển vọng của ngành công nghệ toàn cầu và Hàn Quốc, nơi nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu chip và công ty có giá trị nhất của nước này.
“Cuộc khủng hoảng của Samsung cũng là cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc”, Park Ju-geun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index có trụ sở tại Seoul cho biết.
Park Sangin, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul đã so sánh phong cách quản lý thận trọng của ông Lee với phong cách quản lý của một số tập đoàn gia đình khác đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. "Không giống như các nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của Hyundai và LG, ông Lee không đưa ra bất kỳ quyết định lớn hay táo bạo nào", ông nói.
Samsung đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Nhưng công ty này đã tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh SK Hynix trong lĩnh vực tăng trưởng mới là chip nhớ băng thông cao cần thiết cho phần cứng AI.
Công ty cũng đạt được ít tiến triển trong việc hiện thực hóa tham vọng của ông Lee là vượt Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) để trở thành nhà cung cấp chip logic tiên tiến hàng đầu thế giới vào năm 2030. Và trong các lĩnh vực như màn hình hiển thị và điện thoại thông minh, nơi Samsung từng thống trị, công ty đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.
Lee Jae Yong, hay còn được biết đến với tên tiếng Anh Jay Y. Lee, đã lớn lên dưới bóng dáng của người cha, ông Lee Kun Hee, người nổi tiếng với phong cách quản lý quyết liệt, thậm chí tàn nhẫn. Dù được đào tạo bài bản tại Harvard, Lee Jae Yong vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của người cha và chứng minh được khả năng lãnh đạo độc lập. Ông đã vướng vào nhiều bê bối pháp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều hành tập đoàn. Những rắc rối pháp lý vẫn đang là một gánh nặng, cản trở việc đưa ra các quyết định táo bạo của công.
Ông Jun Kwang-woo, cựu thành viên điều hành Quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc, nhận xét: "Quá trình quản lý của ông ấy đang bị kìm hãm bởi những vấn đề pháp lý". |