Chợ Tốt lựa chọn mô hình kinh doanh CSV

23:30 15/08/2022

Bà Hoàng Minh Xuân, phụ trách thương hiệu của Công ty TNHH Chợ Tốt cho biết, thương hiệu này chọn CSV thay vì CSR. CSV nằm trong chính trái tim mô hình kinh doanh, trong chiến lược truyền thông, trong DNA của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và CSV (hợp tác tạo giá trị chung) ngày càng phổ biến trong chiến lược của doanh nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Hoàng Minh Xuân, phụ trách thương hiệu của Công ty TNHH Chợ Tốt cho biết, thương hiệu này chọn CSV thay vì CSR. CSV nằm trong chính trái tim mô hình kinh doanh, trong chiến lược truyền thông, trong DNA của doanh nghiệp.

Bà Xuân cho rằng, CSR là công cụ để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách không làm tổn hại đến môi trường hoặc trích một phần lợi nhuận để đóng góp giải quyết các vấn đề của xã hội. Trong khi đó, CSV là cùng tạo ra giá trị chia sẻ, gắn với hoạt động kinh doanh, nằm trong nội tại mô hình kinh doanh để giải quyết các bài toán của cộng đồng.

“Mở rộng hoạt động CSR đồng nghĩa với bài toán tăng chi phí còn thúc đẩy hoạt động CSV sẽ đi kèm với tăng trưởng của doanh nghiệp”, bà Xuân nói trong sự kiện "Chiến lược CSR/CSV doanh nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu truyền thông và phát triển tổ chức.

Chợ Tốt là một trong những thương hiệu thuộc công ty kỳ lân Carousell hiện có mặt ở 8 quốc gia. Tương tự công ty mẹ, Chợ Tốt thúc đẩy mô hình Reverse commerce – tập trung vào các hoạt động mua bán giữa các cá nhân và về các sản phẩm đã qua sử dụng. Các sản phẩm này có giá trị chia sẻ theo đúng tinh thần CSV. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử hiện nay (Ecommerce) đa phần tập trung vào các hoạt động mua bán giữa cá nhân và thương hiệu, với các sản phẩm mới được bày bán ở các cửa hàng trên nền tảng.

Có hai giá trị mà hình thức CSV mang lại. Một là giá trị cơ hội. Việc đăng bán một món đồ không dùng nữa đồng nghĩa với việc trao cơ hội cho món đồ tìm được người cần hơn khi họ không có điều kiện để mua sản phẩm mới 100%.

Hai là giá trị tích cực tác động lên môi trường. Cái giá cho một món đồ không chỉ nằm ở số tiền người mua phải trả mà còn là cái giá tác động lên môi trường dành cho việc sản xuất món đồ đó.

Trong khi đó, sự phát triển của hạ tầng công nghệ cùng các chương trình kích cầu giảm giá được được triển khai liên tiếp quanh năm khiến cho con người ra quyết định mua sắm nhanh hơn, dễ hơn.

“Vòng xoáy sản xuất, mua mới, thải bỏ tạo áp lực lớn cho môi trường, khiến trái đất đối mặt tình trạng suy kiệt nguồn tài nguyên. Số phận các sản phẩm nằm trong góc nhà và tệ hơn là thải ra môi trường tạo thành các bãi rác khổng lồ, tạo sự lãng phí vô cùng lớn trong khi nguồn tài nguyên trái đất có hạn”, bà Xuân nói.

Thay vì thải bỏ, Chợ Tốt và Carousell khuyến khích mua bán đồ cũ, tái sử dụng, tăng vòng đời cho sản phẩm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững.

PV