Chính sách tiền tệ sẽ ôn hòa hơn với hạn mức tín dụng được điều chỉnh linh hoạt

10:51 09/03/2023

Theo Báo cáo Chiến lược Thị trường tháng 3/2023 của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, chính sách tiền tệ trong năm 2023 từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mang tính chất ôn hòa hơn với hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh linh hoạt xuyên suốt năm.

Báo cáo Chiến lược Thị trường tháng 3/2023 của SSI cho rằng, trong tháng 2, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, với mức tăng trung bình 9-10%, thấp hơn so với năm 2022 nhưng điều này không mang hàm ý NHNN siết chặt chính sách tiền tệ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trên thực tế, quan điểm về chính sách tiền tệ trong năm 2023 từ NHNN mang tính chất ôn hòa hơn, và hạn mức tín dụng này sẽ được điều chỉnh linh hoạt xuyên suốt năm.

Hạn mức thận trọng được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tín dụng chưa cao và NHNN cũng cần phải cân đối việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định các cân đối vĩ mô trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.

Hiện nay, NHNN và Chính phủ đang nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường, trong bối cảnh lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Ở chiều huy động, mức lãi suất niêm yết cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại các Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) là 9,5%/năm (giảm 50-100 điểm cơ bản so với thời kỳ cao điểm vào cuối năm 2022) và 7,4%/năm tại 4 NHTMCP Nhà nước.

Trong khi đó, lãi suất niêm yết dành cho khối khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự thay đổi, dao động từ 6,5-8,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Một số chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay (giảm từ 1-2%/năm) từ các NHTM được công bố (Agribank, BIDV, MBB,…), tuy nhiên, điều này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số nhóm ngành cụ thể.

Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.

Theo SSI, điểm đáng chú ý trong tháng 3 đến từ chính sách là việc ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Thay đổi đáng chú ý là cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ để sửa đổi điều kiện và điều khoản TPDN (bao gồm việc thay đổi kỳ hạn tối đa 2 năm) và cho phép thanh toán lãi và gốc bằng tài sản khác.

Tuy nhiên, Nghị định 08 vẫn yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với trái chủ trong trường hợp trái chủ không chấp thuận.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ dành cho đối tượng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, SSI nhận định, nguồn huy động vốn từ gói tín dụng này sẽ đến từ nhóm 4 NHTMCP Nhà nước, bao gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank (mỗi ngân hàng 30 nghìn tỷ đồng). Dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường.

Hoài Anh