Chính sách giảm thuế suất thuế GTGT hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

16:21 15/02/2022

Ngày 28/01/2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022.

Ảnh minh họa

Ảnh nguồn Internet

Chính sách này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đưa ra khuyến nghị: "Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân". Về phía doanh nghiệp, chính sách giảm thuế GTGT cũng tạo ra tác động thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế suất thuế GTGT này sẽ có tác động đến thị trường ở cả hai phía, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2022, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc giảm thuế GTGT từ 10% về 8% như một chính sách toàn dân, bởi hầu hết người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ chính sách này.

Theo TS. Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình Quản lý thuế - trường Đại học Kinh tế TP.HCM, việc giảm thuế GTGT sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng hơn là sản xuất. Hay nói cách khác, người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều hơn. Ông chia sẻ: “Về bản chất, thuế GTGT là loại thuế gián thu, người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người chịu thuế. Vì vậy, giảm thuế GTGT sẽ giảm gánh nặng thuế pháp lý cho người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng còn được hưởng lợi từ việc giá bán hàng hóa, dịch vụ có thể giảm do các sản phẩm trung gian trong khâu sản xuất cũng đươc hưởng lợi từ chính sách giảm thuế”. Ngoài ra, việc giảm thuế GTGT cũng giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch.

Xét về khía cạnh công bằng xã hội, giảm thuế GTGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người có thu nhập thấp so với người có thu nhập cao. TS. Trần Trung Kiên lý giải: Thuế GTGT có tính lũy thoái. Nghĩa là, khi mua cùng một lượng hàng hóa, tỷ trọng thuế GTGT so với thu nhập ròng của người có thu nhập thấp sẽ cao hơn người có thu nhập cao bởi thuế GTGT áp dụng mức thuế suất thống nhất. Vì vậy, đứng ở góc độ này, người có thu nhập thấp sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc giảm thuế suất thuế GTGT”.

Dù vậy, một số ý kiến quan ngại về việc giảm thuế suất thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách giảm thuế theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỉ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Theo TS. Trần Trung Kiên nhận định, số thu ngân sách từ thuế GTGT sẽ được cải thiện trong dài hạn: “Số thu thuế chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố là cơ sở thuế và thuế suất. Thuế suất giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Tuy nhiên, một yếu tố quyết định số thu thuế khác là cơ sở thuế. Chính sách giảm thuế suất này sẽ tạo ra nhiều tác động như đã nhân định, qua đó, giúp mở rộng cơ sở thuế. Vì vậy, số thu thuế sẽ dần được cải thiện và tăng lên”.

Linh Đan