![]() |
Thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát. |
Theo số liệu từ Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu thép và các sản phẩm thép trị giá khoảng 983 triệu USD sang thị trường Hoa Kỳ, tăng gần 159% so với năm 2023.
Các mặt hàng thép chủ lực được xuất khẩu bao gồm thép mạ kẽm (mã HS 7210.49), thép mạ nhôm kẽm (mã HS 7210.61), thép phủ nhựa (mã HS 7210.70), thép không rỉ (mã HS 7219.34) và thép hợp kim (mã HS 7209.16).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu nhôm và các sản phẩm nhôm sang Hoa Kỳ với giá trị khoảng 479 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2023. Các sản phẩm nhôm xuất khẩu chủ yếu gồm có tủ bếp, bàn nhôm, thiết bị nội thất nhôm (mã HS 7615.10), nhôm hợp kim (mã HS 7604.21) cùng nhôm thanh và nhôm dây (mã HS 7604.29).
Các chuyên gia ngành cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt có thể chuyển mình thông qua việc đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, gia tăng giá trị gia tăng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thì việc đối mặt với mức thuế 25% sẽ chỉ là một trở ngại tạm thời trên con đường hội nhập thị trường quốc tế. Đồng thời, khả năng mở rộng thị trường sang các quốc gia khác cũng được đánh giá là chiến lược hữu hiệu nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ.
Để giảm thiểu tác động của sắc lệnh tăng thuế, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam đã và đang chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo những hướng như: Tối ưu hóa quy trình sản xuất: Đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, giúp bù đắp phần nào tác động từ mức thuế tăng cao. Đa dạng hóa thị trường: Ngoài Hoa Kỳ, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng sang các thị trường khác ở châu Á, châu Âu và châu Phi, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Thắt chặt hợp tác với đối tác: Tăng cường mối quan hệ đối tác và xây dựng các liên minh chiến lược với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt và ổn định. Và cuối cùng là có một chính sách giá linh hoạt để cân bằng giữa mức thuế mới và sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó duy trì được sức hấp dẫn của sản phẩm. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm bớt tác động tiêu cực mà còn mở ra cơ hội cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết con số 1,7 triệu tấn thép xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 cũng khá lớn. "Nếu lượng thép này không bán được sang Mỹ, nguồn tiêu thụ thay thế có thể là thị trường nội địa. Khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn ”, ông Thảo nói.
![]() |
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam |
"Nếu bị áp thuế chồng lên nhau, các nước khác đặc biệt là Trung Quốc và khối ASEAN cũng sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ thay thế. Trong đó, Việt Nam cũng được xem là điểm đến của các dòng thép này và áp lực cạnh tranh càng lớn hơn", ông Phạm Công Thảo phân tích thêm.
Ông Phạm Công Thảo cho rằng cần áp dụng biện pháp hạn chế thép nhập khẩu giá rẻ bởi ngành thép Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn do sự suy giảm của thị trường bất động sản trong nước và những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp thép từ chính sách thuế mới "sẽ không đáng kể", do ngành này đã trải qua cú sốc thuế từ năm 2018.
Ngược lại, ngành nhôm lại đang đối mặt với nhiều lo ngại hơn. Việc tăng thuế có thể ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu sang Mỹ – thị trường chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nhôm Việt Nam, theo Hiệp hội Nhôm Thanh Định Hình Việt Nam (VAA). VAA nhận định, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp chủ yếu là những nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – nhóm chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân trong nước chịu tác động ít hơn. Tuy nhiên, hệ quả kéo theo là tình trạng dư thừa công suất tại các nhà máy sẽ tạo áp lực trở lại thị trường nội địa, vốn đã dư cung sau thời gian dài suy thoái. Nếu không thể xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc thậm chí tiêu thụ trong nước, làm gia tăng cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa. Tương tự ngành thép, biên lợi nhuận của doanh nghiệp nhôm có thể thu hẹp, nhưng tác động của chính sách thuế lên các thị trường xuất khẩu là tương đương nhau. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ quốc tế, đặc biệt là trước hàng Trung Quốc, vốn đang chịu thêm mức thuế 10%.
VAA cũng cảnh báo nguy cơ hàng Trung Quốc sử dụng xuất xứ Việt Nam hoặc từ các nước ASEAN để lẩn tránh thuế. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp được khuyến nghị tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn từ Cục Phòng vệ thương mại. Ngoài ra, VAA khuyến khích doanh nghiệp trong ngành tập trung vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Trước mắt, các nhà xuất khẩu nhôm cần đàm phán với đối tác Mỹ hoặc các đơn vị trung gian để chia sẻ rủi ro với các đơn hàng đã ký kết. Đồng thời, họ cũng nên tìm kiếm phương án tối ưu cho các đơn hàng tiếp theo nhằm duy trì quan hệ hợp tác với khách hàng truyền thống.
![]() |
Đại diện Công ty Thép Toàn Thắng cho rằng, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép và nhôm ngoài thị trường Mỹ sẽ giúp giảm bớt tác động từ sắc lệnh thuế. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, giá thép cùng các nguyên liệu trên thị trường quốc tế đã giảm từ 5% đến 35% tùy theo từng khu vực, nên nếu có sự gia tăng giá nguyên liệu trong ngắn hạn thì mức tăng này cũng không đáng kể.
Về thị phần, mặc dù tại Mỹ có thể giảm, nhưng nếu doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường khác thì thị phần tổng thể sẽ được cải thiện. "Riêng đối với Công ty Thép Toàn Thắng, chiến lược đẩy mạnh đầu tư công cho phép doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào các dự án của Chính phủ đã góp phần ổn định sản xuất. Về mảng xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, công ty đã chủ động mở rộng sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, đơn hàng của quý 1/2025 dự kiến sẽ tăng hơn 50% so với quý 4/2024, ước đạt khoảng 7 triệu USD", TGĐ Đoàn Đình Điệp chia sẻ.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu luôn biến động và các biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng phổ biến, việc thích ứng và chuyển mình của doanh nghiệp là yếu tố sống còn. Mặc dù sắc lệnh tăng thuế của Mỹ đã tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam, song nếu biết nắm bắt cơ hội, đầu tư cải tiến công nghệ và đa dạng hóa thị trường, ngành thép Việt hoàn toàn có khả năng biến “áp lực” thành “động lực” phát triển.
Các chuyên gia phân tích, chính sách thuế mới không nên được nhìn nhận chỉ dưới góc độ tiêu cực; mà nó còn thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng “dậy” và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, qua đó gia tăng sức cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.