Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam.
Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, tạo thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Thống kê có tới 53% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online vào năm 2020. Điều này góp phần vào mức tăng trưởng 18% cho thị trường trị giá 11,8 tỷ USD. Ước tính vào năm 2025 sẽ có tới 55% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, với giá trị mua hàng trung bình đạt 600 USD/người mỗi năm…
Mặc dù thông tin này đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng, nhưng khi quy mô nhu cầu quá lớn lại đặt ra những thách thức chưa từng có và đôi khi làm quá tải đối với chuỗi cung ứng, kho bãi.
5 bước hiện đại hóa kho hàng
Hiện nay, các nhà khai thác kho hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, chịu áp lực công việc nặng nề, chưa kể những phát sinh từ đại dịch như sức khỏe và sự gia tăng đột biến số lượng bưu kiện gửi đi.
Tuy nhiên, hiện nay, các giải pháp công nghệ mới như: máy kiểm kho, thiết bị đeo, máy quét mã vạch, máy quét công nghiệp, thiết bị cảm biến, hệ thống RFID và các robot cộng tác…có thể giúp doanh nghiệp phát hiện và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, thách thức thực hiện đơn hàng đúng hạn hoặc khả năng dự trữ số lượng và chủng loại hàng phù hợp trong kho, từ đó nâng cao năng suất, tính tuân thủ và tự động hóa…
Quá trình hiện đại hóa này được chia thành 5 giai đoạn, trong đó khả năng kiểm soát và giám sát được tăng dần. Giai đoạn 1 là tăng cường năng lực cho người lao động: để tăng cường khả năng kiểm soát và giám sát cơ bản đối với các hoạt động kinh doanh bằng cách chuyển từ các thiết bị và hệ điều hành (OS) cũ sang sử dụng máy kiểm kho, máy tính bảng và máy quét di động Android với giao diện thân thiện người dùng và thu thập dữ liệu đơn giản.
Giai đoạn 2 là nâng cao hơn nữa khả năng kiểm soát và giám sát vận hành nhờ các thiết bị sáng tạo như máy kiểm kho dạng đeo, máy quét đeo ngón tay và màn hình hiển thị trên kính đeo. Các thiết bị này có thể được sử dụng kết hợp với phần mềm liên lạc và cộng tác.
Giai đoạn 3 là tăng khả năng giám sát và mức độ sử dụng máy móc thiết bị. Các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu suất bằng cách sử dụng công nghệ định vị và khả năng giám sát có mục tiêu theo thời gian thực. Nhờ tích hợp với phần mềm phù hợp, các công nghệ cảm biến và RFID có thể cải thiện việc quản lý hàng tồn kho, quản lý kho bãi.
Giai đoạn 4 là ứng dụng công nghệ cảm biến, giám sát thời gian thực và các giải pháp tự động hóa robotics để loại bỏ những công việc mang tính phỏng đoán. Các máy quét công nghiệp cố định có thể xác nhận ngay một mặt hàng có đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hay không, và được chấp nhận để chuyển đi theo đơn hay đưa lên kệ…
Giai đoạn 5 là sử dụng dữ liệu để nâng cao hiệu suất vận hành. Dữ liệu hoạt động thời gian thực và sắp xếp theo thời gian được thu thập bởi công nghệ phân tích dự báo, cảm biến, máy quét công nghiệp cố định, robotics và nền tảng học máy sẽ được tổng hợp cho phép con người có thể tham gia và giải quyết các thách thức trong tương lai.
Tiến tới giám sát hoạt động tốt hơn
Chọn và đóng gói chỉ là hai bước đầu tiên để hoàn thành đơn hàng. Việc tiếp theo và cũng là thách thức nhất chính là vận chuyển đơn hàng tới khách hàng. Các giải pháp công nghệ hiện nay có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt và hiển thị đầy đủ và theo thời gian thực về hàng trong kho cũng như tình trạng thực hiện đơn hàng cho nhiều nhà kho và trung tâm phân phối, từ đó giúp giảm thiểu các vấn đề này nhờ hỗ trợ lập kế hoạch giao hàng hiệu quả.
Các công nghệ tương tự cũng có thể được sử dụng để phân công nhân viên xếp dỡ hàng nhằm tránh hoặc khắc phục sự chậm trễ và giúp đào tạo các nhóm nhân viên cách thức điều chỉnh hoạt động giao nhận hàng theo thời gian thực để tối ưu hiệu quả giao hàng.
Hiện nay, khi nói đến giao hàng chặng cuối, người tiêu dùng ngày càng mong muốn các dịch vụ trong ngày hoặc sớm nhất. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tìm cách giao hàng sớm nếu muốn giữ chân khách hàng.
Công nghệ hiện có thể cung cấp khả năng theo dõi chính xác cả hàng trong kho đến và chuyển đi cũng như giám sát tại các điểm chạm khách hàng của chuỗi cung ứng, sẽ mang lại hiệu quả đầu tư, cũng giống như các công nghệ giúp tăng khả năng giám sát của logistics ngược và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trả hàng.
Việc đầu tư và triển khai các công nghệ mới là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp chuỗi cung ứng đang mong muốn duy trì hoạt động và sức cạnh tranh trong nền kinh tế theo yêu cầu.
Tuy nhiên, những công nghệ này sẽ chỉ được chứng minh là có giá trị nếu mang tới khả năng giám sát và kiểm soát hoạt động tốt hơn với khả năng thu thập, tổng hợp, phân tích hoặc phân phối dữ liệu.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cung ứng cần hợp tác với nhà cung cấp giải pháp công nghệ đáng tin cậy để hiểu cách mỗi công cụ có thể được sử dụng giúp nâng cao mức độ hiệu quả, năng suất và khả năng đáp ứng.
Thông thường, một thiết bị di động hoặc máy quét chuyên dụng có thể hỗ trợ nhiều ứng dụng trong các luồng công việc tại nhà kho. Mặc dù sẽ tốn thời gian để đạt được một chuỗi cung ứng tối ưu hóa, nhưng những lợi ích mang lại đáng để các doanh nghiệp cân nhắc đầu tư.
Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại Việt Nam/Vneconomy