Xét về mặt ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng sự thay đổi “tên gọi” này không đúng với quy tắc cấu trúc ngữ pháp thông thường, dễ gây ra nhầm lẫn và mặc nhiên đã gây ra nhầm lẫn ở cộng đồng xã hội. Chính bởi lỗi sai này, trong những ngày qua, đã có nhiều thông tin phản bác, châm biếm… về sự thay đổi tên gọi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Cụ thể, trong tiếng Việt, ai cũng hiểu cấu trúc một ngữ sẽ có trật tự lắp ghép là “định lượng – định tính – định danh – định tính – định lượng”. Ví dụ: “Một ngôi nhà gỗ xanh”, sẽ có chữ “nhà” là định danh; “một cái bánh bột mềm”, sẽ có chữ “bánh” là định danh. Các từ trước và sau từ định danh này đều chỉ để làm rõ ý nghĩa, tính chất của từ định danh đó.
Một ngôi trường Đại học Bách Khoa, rõ ràng cũng theo cấu trúc này, với từ định lượng “một”, định tính “ngôi” đằng trước, định tính “Đại học” và từ định lượng “Bách Khoa” ở phía sau từ định danh “trường”.
Theo đó, để thay đổi từ định danh “trường”, cần tìm một từ định danh tương đương ý nghĩa, phân cấp, thì mới rõ ràng nghĩa được. Trong cấu trúc tư duy về giáo dục Việt Nam xưa nay, hệ thống “trường – lớp” là mặc định trên dưới, có thể “chêm vào” những cấp độ khác như “khoa, bộ môn, ban, nhóm…”. Nhưng trên cấp độ trường, thì xưa nay chưa có từ nào.
Giờ đây, khi nhà quản lý muốn định vị sắp xếp lại, muốn có một cấp mô hình cao hơn “trường”, nhất định phải nên dùng một từ có nội hàm như vậy, ví dụ như từ “tổng”, hoặc “tổ hợp”, “nhóm”… Bởi những từ định tính mới này sẽ làm cho từ định danh “trường” được mở rộng phạm vi hơn.
Khi nhà quản lý không lựa chọn như vậy, mà đổi qua dùng một từ định tính đã quen thuộc với cộng đồng, là “Đại học”, để chuyển hóa thành từ định danh trên cấp từ “trường”, thì dù có lý luận thế nào, cũng khó được cộng đồng quen dùng từ định tính đó chấp nhận.
Thực tế từ bao nhiêu năm qua, khái niệm “Đại học” trong đầu người dùng đã rõ ràng gắn với qui ước “trường”, người dùng không cần nói chữ “trường”, người nghe hai chữ “Đại học” đã chấp nhận đó là trường. Nên khi nhà quản lý muốn sử dụng chính từ “Đại học” để đặt trên khái niệm “trường”, mâu thuẫn ý nghĩa đã xảy ra, và nhất thời, cộng đồng người nói tiếng Việt sẽ không chấp nhận sự hoán đổi này. Do đó, rất nhiều người đã lên tiếng yêu cầu nhà quản lý phải xem xét lại vấn đề, cần tìm từ hoặc cách thay thế cấu trúc ngôn ngữ tiếng Việt đã bị vi phạm khi lắp ghép các từ tố bị sai ở ngữ “Đại học Bách Khoa Hà Nội” thay thế “trường Đại học Bách Khoa Hà Nội”.
Để hóa giải vấn đề này, nhất là để rõ ràng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, nhà quản lý cần nhìn nhận lại vấn đề, với hai lựa chọn.
Thứ nhất, tìm kiếm một từ định danh có thể đặt trên cấp “trường”. Điều này cần độ chính xác của khoa học ngôn ngữ, sự chuẩn y sử dụng của các nhà chuyên môn và nhà quản lý.
Thứ hai, nếu không tìm ra được từ định danh trên cấp “trường”, sẽ vẫn sử dụng từ định danh này, nhưng phải bổ sung trước từ định danh này một từ định tính có nội hàm mở rộng, ví dụ chữ “tổng”, hoặc “nhóm”.
Tổng Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ bao trùm các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cấu trúc thể hiện này dễ được chấp nhận, hơn là cách đặt chữ Bách Khoa ra phía trước và xóa chữ trường đi. Nghĩa là một chữ định tính “Bách Khoa” đặt cụt lủn trước từ định danh, để thay thế cho từ định danh “trường”, sẽ rất dễ khiến người dùng nhầm lẫn và rối nghĩa.
Có lẽ, các cấp quản lý nên xem xét lại vấn đề này, để sớm chấm dứt những dư luận bất ổn xung quanh một quyết định điều chỉnh mà xem ra, bất ổn định danh vì sai về cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt.
Nguyên Đức