Tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng sau 12 năm ban hành và 1 lần sửa đổi đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017; trung bình khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.
“Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng”, ông Tuấn nói.
Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.
Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Trong khi đó, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã đề ra mục tiêu: đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.
Đây là mục tiêu đầy thách thức và để đạt được, đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, mang tính đột phá và thực tiễn cho vấn đề xử lý nợ xấu.
Để đáp ứng yêu cầu này và không tạo khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, NHNN đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự thảo đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VNBA đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
“Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ. Cộng với đó là các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...”, ông Hùng nói.
Thực tế cũng cho thấy, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo nợ xấu của hệ thống TCTD có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng.
Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Ngân hàng Eximbank nhấn mạnh, một trong những khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu là quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Đại diện cho Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), ông Darryl Dong khuyến nghị: Luật các TCTD (sửa đổi) cần mở rộng quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các bên mua nợ xấu thông qua việc cho họ được thế quyền trong các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ xấu.
Hoặc ít nhất cho phép bên mua nợ xấu được ủy quyền cho bên bán nợ xấu (tức TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc VAMC) quản lý khoản nợ xấu, thu nợ, và nếu cần thiết, thu giữ tài sản bảo đảm hay phát mại thay mặt cho bên mua nợ xấu.
Hoài Anh