Đang là một lập trình viên tại một tập đoàn công nghệ hàng đầu với thu nhập ổn định, vào một ngày, Nguyễn Tuấn Linh quyết định chuyển hướng sang làm trà hương. Hành trình gom mây Tà Xùa hay vị trà Tân Cương ướp trong hương các loài hoa của Linh dường như mới chỉ bắt đầu…
Đó là vào một ngày đầu tháng 5 của năm 2016, hai tuần trước khi những bông hoa sen nở, Linh chính thức thông báo với gia đình sẽ nghỉ việc ở FPT để chuyển sang làm… trà. Dù trước đó Linh đã “đả thông” tư tưởng của mọi người theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhưng mọi người vẫn không khỏi… sốc. Khi đó Linh bước vào tuổi 31. Một quyết định có vẻ ngược đời của một chàng trai người Hà Nội (Linh sống ở phố Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội).
Các sản phẩm trà của tôi đang có nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Ngay từ đầu, khi mới đến với trà tôi đã quan niệm không phải để làm gì đao to búa lớn mà chỉ muốn nhiều người, nhất là người trẻ, được thưởng thức trà Việt theo cách đơn giản và hợp thời nhất”.
“Nhưng với tôi đó không phải là một quyết định nhất thời, tôi đam mê trà và đã mày mò làm trà sen từ năm 2012. Chỉ đến khi được gặp thầy Nguyễn Việt Bắc – một người đam mê trà Việt và có phương pháp tiếp cận với việc làm trà rất khoa học, tôi mới có đủ động lực thực hiện đam mê của mình một cách tận cùng nhất” – Linh giải thích cho quyết định của mình.
Vậy là để thực hiện cho được niềm đam mê ấy bước chân của Linh đã đặt chân đến nhiều vùng trà của đất Việt, lựa chọn những gì tinh túy nhất, bắt đầu hành trình dệt hương cho trà, tuy gian nan nhưng cũng không kém phần nên thơ và thi vị.
Trong danh sách các loại trà của Đông Lai – không gian Linh tự mở phục vụ những người có cùng đam mê với trà Việt, có lẽ Mộc Liên trà luôn được anh ưu ái nhất. Nhưng không như nhiều người làm trà sen ở Tây Hồ chọn sen ở hồ Tây, Linh chọn cho mình một vùng đất mới, đó là đầm sen rộng cả hecta ở vùng thôn quê. Vất vả trồng sen nhưng Linh cho biết, mỗi mùa anh chỉ hái được khoảng 17.000 bông, làm được tầm 10kg trà.
Sen để ướp trà làm sao giữ được hương hoa tinh túy nhất phải là loại sen hàm tiếu (hay sen hé miệng sáo), là những bông hoa nở vào sáng sớm, khi phần cánh hồng đã được đẩy lên rõ ràng hơn so với phần cánh bao màu xanh gần cuống sen nhất. Nhưng Linh bảo theo cảm nhận cá nhân trà Tân Cương không hợp với sen, vì vậy, vào mùa xuân, anh cất công rong ruổi xe máy lên tận Tà Xùa ( Sơn La), ở cùng bà con để cùng làm Trà chuẩn bị cho việc dệt các loại hương hoa. Vậy là mây Tà Xùa đã được gói trong hương sen Bách Diệp tinh túy, tạo nên một thứ trà vàng sánh nhưng khi đưa lên miệng sẽ cảm nhận hương sen lan tỏa.
Cũng như nhiều người làm trà sen, Linh có 2 dòng sản phẩm chủ đạo: trà sen ướp gạo và trà sen ướp bông. Tuy vậy, cách làm của Linh hơi… khác người. Với trà ướp bông, tự tay anh đi hái những bông hoa còn chúm chím, e ấp như gái đương thì, khẽ khàng mở nhẹ cánh hoa, đổ trà và gập cánh hoa lại như cũ; cắm hoa vào nước 1 đêm. “Kiểu trà này phải dùng ngay trong ngày hoặc để ngăn mát tủ lạnh, thì dùng được trong năm ngày đến một tuần” – Linh cho biết.
Trà sen ướp gạo thì kỳ công hơn gấp nhiều lần, từ bông hoa, Linh tỉ mẩn tách từng hạt gạo sen trắng li ti, ủ với trà 6 - 7 lượt, qua 20 ngày mới đủ hương.
Viết tiếp câu chuyện hương hoa Việt
Vậy là mây Tà Xùa đã được gói trong hương sen tinh túy của đất thôn quê, tạo nên một thứ trà vàng sánh nhưng khi đưa lên miệng sẽ cảm nhận hương sen lan tỏa.
Bây giờ, dù đã đạt được một số thành công nhưng Linh bảo, hành trình làm trà dường như mới chỉ bắt đầu. Trong 4 năm qua, đã có bao nhiêu gian nan, thử thách chàng trai này đã phải vượt qua nhưng anh đều hóa giải nó bằng nụ cười ấm áp, bằng lối suy nghĩ mạch lạc của một kỹ sư công nghệ thông tin viết phần mềm.
“Khi khởi nghiệp, chúng tôi có 3 người, mỗi người lo một việc, tôi lo phần sản xuất. Về sau do thiếu kinh nghiệm khởi nghiệp nên chúng tôi không đi cùng nhau được nữa, nhưng chúng tôi vẫn là những người bạn thân thiết.” – Linh chia sẻ. “Vậy bạn làm thế nào để vừa sản xuất vừa đưa sản phẩm ra thị trường?” – tôi hỏi. Thật nhẹ nhàng, Linh bảo: “Hồi đầu tôi cũng từng đau đầu với vấn đề này nhưng sau đó tôi nghĩ hãy để hương vị của trà Đông Lai tự lan tỏa, tự đi tìm thị trường của nó, còn tôi cứ chuyên tâm dệt hương, coi những người muốn uống trà Đông Lai là bạn”.
Để những người bạn trà có nơi để giao lưu, chia sẻ, Linh mở một quán trà nhỏ ở 4A Thợ Nhuộm, vậy là nơi đây trở thành địa chỉ giao lưu của những người mê trà. “Trà đã mang đến cho tôi những mối duyên kỳ lạ, những người bạn mới, vì vậy tôi nghĩ, cái gì mình làm được thì phải làm bằng cả cuộc sống, tâm huyết của mình, “Đường Trà là một tấm chân tình” mà” – Linh nói.
Hiện, ngoài trà sen, Linh còn ướp trà với nhiều hương hoa khác như cúc, nhài, bưởi, ngâu, sói, mộc, ngọc lan, hoa chanh, hoa hồng Vân Khôi, thậm chí cả hương thơm từ củ gừng… Mỗi loại lại cho ra một mùi hương và vị khác nhau nhưng tôi có cảm nhận đều có chung một điểm: nhẹ nhàng, tinh tế như chủ nhân của nó. Linh bảo, với người làm nghề dệt hương vào trà nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Những loài hoa kể trên người xưa đã sử dụng để ướp trà từ lâu, chỉ là trải qua nhiều biến cố lịch sử, những thú chơi một thời dần mai một, tài liệu để lại cũng không có mấy. Vậy nên để tìm được nguồn hoa phù hợp, với anh cũng là cả một kỳ công.
Ví như hoa mộc hương là cây ít sâu bệnh, nhưng cây non dưới khoảng 7 tuổi thì thường hoa cho hương thơm nhưng không sâu, với những cây trên 10 tuổi thì hương hoa mới thơm sâu, màu hoa chuyển sang màu vàng kem, vậy mới dùng được. Linh đã đi tìm 3 năm mới tìm được một vườn có vài chục cây lâu năm cao gần 3m, chủ vườn dùng để làm cây giống, ngoài ra trong vườn còn có hơn trăm gốc cây hoa mộc khác đều cao đến 2m, chờ đến độ đủ tuổi lấy hoa.
Khi tôi tỏ ra băn khoăn, thú uống trà dường như chỉ dành cho người già và lớp trẻ dường như thích những đồ uống hiện đại, Linh cười lớn: “Sản phẩm trà của tôi đang phục vụ rất nhiều bạn trẻ, ngay từ đầu, tôi tiếp xúc với trà không phải để làm cái gì đó đao to búa lớn mà chỉ muốn có nhiều người được thưởng thức trà Việt theo cách đơn giản, dễ dàng và hợp thời đại nhất. Một thứ đồ uống ngon luôn tìm được những người phù hợp với nó”.
Câu chuyện của chúng tôi cứ thế kéo dài cho đến chiều muộn với những chia sẻ của Linh về từng loại trà, về cách ướp, cách pha một ấm trà hương đúng điệu. Chúng tôi cứ ngồi như vậy, thưởng thức từng loại trà trong không gian thanh tịnh, ngập hương hoa của Đông Lai quán, cảm nhận hương của từng loại hoa, của đất trời ngấm trong từng chén trà vàng sánh, mặc kệ ngoài phố, dòng người đang hối hả ngược xuôi, mặc kệ những cơn gió mùa đông đang ào ào thổi tới…
P.V