![]() |
Ông Jonah Alben được coi là cánh tay phải thầm lặng đứng sau thành công của Nvidia |
Năm 2022, Nvidia đối mặt với thử thách lớn khi chính phủ Mỹ bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Thời điểm đó, thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 20% doanh thu của công ty. Để giữ chân khách hàng, CEO Jensen Huang đã giao nhiệm vụ quan trọng cho ông Jonah Alben, một trong những trợ lý kỳ cựu của mình.
Khi nhận lệnh, ông Alben thẳng thắn nói với sếp rằng không đủ thời gian để thiết kế một mẫu chip hoàn toàn mới dành riêng cho Trung Quốc. Thay vào đó, ông đề xuất giải pháp cắt giảm hiệu suất của dòng chip cao cấp sẵn có để phù hợp với quy định của Mỹ. Đội ngũ kỹ sư thậm chí còn phải vô hiệu hóa một số bộ phận trên chip bằng cách đốt cháy chúng. Chỉ sau hai tháng, mẫu chip mới mang tên H800 đã được tung ra thị trường Trung Quốc, giúp Nvidia giữ vững vị thế tại đây.
Ông Jonah Alben, năm nay 51 tuổi, là kỹ sư đang đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành toàn bộ mảng nghiên cứu phát triển chip xử lý máy chủ phục vụ trí tuệ nhân tạo. So sánh vui, nếu Nvidia mà là KFC, thì ông Alben đảm trách toàn bộ mọi thứ liên quan tới công thức và chế biến mấy miếng gà.
Ông Leo Tam, người từng đảm nhiệm vị trí nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Nvidia nói: “Không có ông Jonah, Nvidia không thể là họ của ngày hôm nay. Ông ấy quan trọng với công ty hệt như CEO Jensen Huang vậy.”
Giống hệt như Huawei hay DeepSeek, công việc của ông Alben cũng đẩy ông vào vị trí trung tâm những căng thẳng địa chính trị và những tranh chấp thương mại, và trên tất cả là cuộc chạy đua công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Không có chip của Nvidia, không bao giờ V3 hay R1 của DeepSeek có được hiệu năng như chính các nhà nghiên cứu của startup Trung Quốc này khẳng định là so sánh được với những mô hình AI độc quyền mạnh nhất từ OpenAI hay Anthropic của Mỹ.
Các quan chức chính phủ Mỹ cũng vì thế mà đang cân nhắc những quy định cấm vận mạnh tay hơn để cắt đứt nguồn cung chip xử lý của các tập đoàn Mỹ được phép bán cho các tập đoàn và đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc. Bề ngoài, mục tiêu được công bố luôn là việc giới hạn khả năng tự nghiên cứu phát triển AI để phục vụ cho nhu cầu quân sự của Trung Quốc.
Còn Nvidia thì luôn khẳng định rằng, họ tuân thủ mọi quy định của phía Mỹ.
Một mặt, ông Alben phải đảm bảo vẫn bán chip cho Trung Quốc. Mặt khác, nhân vật này phải giúp Nvidia duy trì vị thế dẫn đầu áp đảo trong lĩnh vực chip AI cho các khách hàng như Alphabet và Microsoft - lợi thế đã nâng giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia lên trên 3 nghìn tỷ USD.
Những người biết ông Alben đều cho rằng thành công của ông đến từ việc tìm hiểu sâu về kỹ thuật, phá vỡ ranh giới các quy tắc và học theo tinh thần cạnh tranh cực độ của sếp mình trong 28 năm qua là ông Jensen Huang, người luôn mặc áo khoác da.
![]() |
Không có ông Jonah Alben , Nvidia khó có thể đạt được thành công như hôm nay. |
Ông Alben là một trong hàng chục giám đốc điều hành cấp cao báo cáo trực tiếp với CEO Jensen Huang, lãnh đạo khoảng 1.000 kỹ sư tại bộ phận phát triển chip xử lý đồ họa. Ngay cả trong môi trường Nvidia, nơi quy tụ những tiến sĩ tài năng nhất, ông Alben vẫn nổi bật với trí tuệ sắc bén và khả năng quản lý công việc hiệu quả, dù ông chỉ có bằng thạc sĩ.
Khả năng điều phối và dẫn dắt đội nhóm của ông Alben được hun đúc từ những năm tháng còn là sinh viên Đại học Stanford. Thời đó, ông là người lái thuyền trong đội đua thuyền của trường – người chịu trách nhiệm hô khẩu lệnh, ra chiến thuật, thúc đẩy tám tay chèo to lớn gấp đôi mình. Ông chỉ đạo những người đồng đội của mình khi nào cần bứt tốc.
Ông có một chiến thuật đã thúc đẩy những đồng đội của mình chạm đến giới hạn.
"Ông Jonah nổi tiếng với việc thường hô hào chỉ còn 200 mét nữa trong khi thực tế còn đến 350 mét", cựu đồng đội Martin Schwartz cho biết.
Luật chèo thuyền quy định những người lái thuyền có cân nặng dưới 57kg phải mang theo bao cát trên thuyền để bù thêm khối lượng. Nhưng Aông lben, người chỉ nặng có 53kg, không muốn mang thêm sức nặng nhiều hơn.
Vì vậy, vào buổi sáng cuộc đua, các đồng đội nói, ông đã uống 3kg nước trước khi cân. Để rồi khi cuộc đua bắt đầu, ông đi tiểu hết ra ngoài.
Cựu đồng đội Daniel Bergstresser cho biết: "Với tôi, ông Jonah thực sự là một người có thể làm những điều phi thường, khi lúc nào cũng trong tình trạng bùng nổ"
![]() |
Ông Alben luôn học theo tinh thần cạnh tranh cực độ của sếp mình trong 28 năm qua là ông Jensen Huang. |
Ông Alben, người lớn lên ở Schenectady, New York, đã mang kinh nghiệm của mình tại Stanford đến Nvidia vào năm 1997. Ông đã tạo được ấn tượng nhanh chóng. "Trong 20 năm nữa, tôi hy vọng mình sẽ vẫn làm việc với ông Jonah", CEO Jensen Huang nói tại một cuộc họp nhân viên vào những ngày đầu của ông Alben.
Ông Sasha Ostojic, người một thập kỷ trước đã quản lý nhóm kỹ sư và lập trình viên viết phần mềm vận hành phần cứng chip GPU do nhóm của ông Alben tạo ra nói rằng, đẳng cấp của vị kỹ sư này được thể hiện rõ nét nhất khi thử thách xuất hiện. Có lần, con chip đang phát triển không chạy file video của những bộ phim như mong muốn, ông Alben tìm gặp ông Ostojic để tìm cách giải quyết: “Ông Jonah đến và nói, hãy nhìn code lập trình theo từng dòng một xem sao. Rồi ông ấy làm rõ vấn đề: Dòng này công dụng gì? Dòng này thì sao?”
Kết cục, ông Alben, ông Ostojic cùng một người đồng nghiệp đã viết lại được code, giúp các kỹ sư Nvidia né được thứ khủng khiếp, đáng sợ, tốn kém và tốn thời gian nhất: Sửa lại thiết kế phần cứng. Ostojic nhớ lại: “Chỉ cần một bước đi sai, ông ấy có thể khiến Nvidia chậm lại từ 6 đến 12 tháng.”
CEO Jensen Huang rất coi trọng sự tỉ mỉ trong kỹ thuật. Ông từng là một thần đồng bóng bàn và thường tham dự hội thảo chỉ để học hỏi. Ông tin rằng các lãnh đạo công ty phải đắm mình trong những nghiên cứu tiên tiến nhất để hiểu thị trường sẽ phát triển theo hướng nào.
Ông Alben đồng ý với quan điểm đó. Trong một podcast của công ty năm 2020, khi được hỏi ông mô tả công việc của mình thế nào, ông nói: "Bạn sẽ phải thử đoán xem tương lai trông nó sẽ như thế nào”.
Phải mất khoảng ba năm để phát triển một con chip tiên tiến mới của Nvidia. Để dự đoán nhu cầu khách hàng, ông Alben thường xuyên trao đổi với các nhà nghiên cứu AI trong công ty.
Ban đầu, chip Nvidia chỉ phục vụ đồ họa trong trò chơi điện tử. Nhưng vào đầu thập niên 2010, công ty nhận ra sản phẩm này rất phù hợp để huấn luyện AI. Chính ông Alben cũng bất ngờ khi đọc bài báo về việc một nhà nghiên cứu dùng GPU để mô phỏng khứu giác của con người. Ông kể: “Khi đó, tôi nhận ra chip của chúng tôi không chỉ giải quyết những vấn đề có sẵn trong danh sách.”
Nhờ những con người như ông Jonah Alben, Nvidia từ một công ty sản xuất chip đồ họa cho game thủ đã trở thành gã khổng lồ dẫn đầu cuộc cách mạng AI toàn cầu.