CEO OpenAI trở thành người đầu tiên được nhận 'visa vàng' của Indonesia

10:38 06/09/2023

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này công bố chương trình thị thực vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

CEO OpenAI Sam Altman
CEO OpenAI - Sam Altman.

Indonesia đã cấp cho CEO OpenAI Sam Altman "thị thực vàng" đầu tiên của nước này, cho phép ông lưu trú dài hạn cùng nhiều đặc quyền.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này công bố chương trình thị thực vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

"Một số trường hợp được cấp visa vàng không dựa trên cơ sở đầu tư, như nhân vật danh tiếng toàn cầu, có thể mang lại lợi ích cho Indonesia. Để được cấp thị thực vàng, người này phải được chính phủ trung ương đề xuất", Silmy Karim, Tổng giám đốc Cơ quan Di trú của Indonesia, giải thích.

Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Di trú Indonesia, Sam Altman là nhân vật nổi tiếng thế giới. Ông là CEO kiêm đồng nhà sáng lập OpenAI, công ty nghiên cứu và ứng dụng AI tại Mỹ. Ông bắt đầu thu hút sự chú ý của thế giới sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối 2022.

Thị thực vàng của CEO Sam Altman có thời hạn 10 năm và doanh nhân người Mỹ này sẽ được hưởng một số đặc quyền như nhập cảnh bằng cổng ưu tiên tại sân bay, dễ dàng xuất nhập cảnh tại Indonesia cùng thời gian lưu trú dài.

Slimy Karim cho biết: “Với thị thực vàng này, hi vọng Altman sẽ đóng góp cho sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Indonesia”

"Đây là hành động cụ thể trong nỗ lực phát triển hệ sinh thái AI ở Indonesia. Ông ấy không cần xin giấy phép lưu trú có thời hạn tại văn phòng nhập cư. Chúng tôi trải thảm đỏ như một sự đền đáp cho những nguồn lực mà ông mang lại cho Indonesia", Karim nói.

Altman – nhà đồng sáng lập OpenAI cùng Elon Musk – đã đến thăm Indonesia đầu năm nay như một phần trong chuyến công tác tại nhiều thành phố lớn châu Á, bao gồm Bắc Kinh, Tokyo, Seoul và Singapore. Tháng 6 năm ngoái, CEO OpenAI cũng đã từng đến Indonesia để chia sẻ kiến thức về trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT của OpenAI đã gây sốt ngay khi xuất hiện cuối năm 2022 nhờ các câu trả lời như của con người. Chỉ hai tháng sau khi ra mắt, chatbot vượt mốc 100 triệu người dùng. Trong thư ngỏ gần đây, Altman và các lãnh đạo công nghệ khác cảnh báo AI đặt ra nguy cơ với sự tồn tại của con người, ngang tầm với chiến tranh hạt nhân và nhấn mạnh việc giảm thiểu rủi ro nên là ưu tiên toàn cầu.

Trước đó, Reuters đưa tin ngày 3/9, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đã công bố thông tin chương trình thị thực vàng. Thị thực vàng sẽ cấp phép cư trú trong thời gian từ 5 đến 10 năm, bắt đầu từ ngày 25/12/2023.

Để có được thị thực 5 năm, các nhà đầu tư cá nhân cần thành lập một công ty trị giá 2,5 triệu USD. Đối với thị thực 10 năm, họ cần phải đầu tư 5 triệu USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư doanh nghiệp phải rót 25 triệu USD để có được thị thực 5 năm cho giám đốc và ủy viên hội đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cần đầu tư gấp đôi, tương đương 50 triệu USD, để có được thị thực 10 năm.

Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định khác nhau áp dụng cho các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không có nguyện vọng thành lập công ty ở quốc gia Đông Nam Á này. Quy định đó bao gồm 350.000 USD-700.000 USD trong các quỹ có thể được sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ Indonesia.

"Một khi đến Indonesia, những người có thị thực vàng không cần phải xin giấy phép nữa", ông Silmy Karim tuyên bố.

Động thái trên được cho là nhằm trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Indonesia.

Động thái này diễn ra sau khi New Zealand, Bồ Đào Nha giới thiệu "thị thực du mục kỹ thuật số" nhằm tận dụng những lao động quốc tế đến sống và làm việc.

Theo Business Insider, nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai các chương trình tương tự để thu hút nhân tài. Lối sống du mục kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến sau Covid-19. Nghiên cứu của MBO Partners công bố cuối 2021 cho thấy có khoảng 15,5 triệu người Mỹ xác nhận mình là dân du mục kỹ thuật số.

Tú Anh (t/h)