CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp hậu Covid-19

01:17 07/07/2022

Được triển khai đồng bộ trên nền tảng online lẫn offline với mô hình kinh doanh trên App WE4.0 (Women Enterprise) và nhượng quyền quán cà phê nhỏ WEHome Café thuộc dự án Women Can Do, do bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng Giám đốc TNI King Coffee, sáng lập đang thu hút nhiều chị em phụ nữ cả nước. Dự án hướng đến đối tượng là chị em phụ nữ, mong muốn làm chủ, kinh doanh theo khả năng và không cần quá nhiều vốn.

Đem "cần câu" cho phụ nữ

Gặp chúng tôi vào những ngày bận rộn các phiên họp hành trong và ngoài nước, dù phải làm việc xuyên trưa nhưng sự cởi mở, chân thành vẫn thể hiện trên nét mặt của CEO Lê Hoàng Diệp Thảo - người phụ nữ đã trải qua sóng gió của hôn nhân nhưng vẫn tràn đầy sức sống, khí chất.

CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Thảo cho biết Women Can Do có 2 mô hình để chị em phụ nữ có thể tham gia, gồm mô hình đối tác phân phối (WE) và mô hình nhượng quyền quán cà phê nhỏ (WEHome Café).

Khi đăng ký làm thành viên chương trình Women Can Do qua ứng dụng điện thoại WE 4.0, chị em phụ nữ có thể kinh doanh, mua bán cũng như tìm hiểu thông tin, tư vấn, đặt hàng, giao dịch... Đây là phần mềm quản lý, được xem là kích hoạt tinh thần khởi nghiệp cho nữ giới. Còn nếu muốn trở thành chủ một quán cà phê nhưng tài chính hạn hẹp thì mô hình nhượng quyền quán cà phê nhỏ WEHomeCafé sẽ nơi để chị em phụ nữ có cơ hội làm chủ.

 

 

Hiện tại, dự án đã thu hút khá nhiều chị em quan tâm, tải app WE4.0, bắt đầu bán hàng trên ứng dụng này và sở hữu xe WE Home Café để kinh doanh.

Chọn thời điểm đúng

Từ nhiều năm qua, bà Thảo đã đi và gặp rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương, thiệt thòi do không chủ động được tài chính, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn...  "Có lần trao đổi cùng Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa về việc hỗ trợ phụ nữ, tôi đã đưa ra nhiều ý tưởng và được Phó chủ tịch nước rất ủng hộ, nhưng rồi có quá nhiều việc cuốn đi chưa kịp làm. Đến đầu năm 2020, khi đại dịch Covid 19 diễn ra, trong thời gian giãn cách xã hội, tôi bắt đầu lên kế hoạch và triển khai dự án bằng tất cả niềm tin rằng dự án sẽ được lan toả thông qua các chị em phụ nữ"- bà Thảo tâm sự.

CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Vì thế, ngay khi đệ trình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng ủng hộ và hỗ trợ dự án triển khai đề án 939 - "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ưu điểm của mô hình này là chị em có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để kinh doanh trên app, gia tăng thu nhập. WE4.0 như một "tiệm tạp hoá" online dành cho chị em phụ nữ. Theo đó, mọi thứ từ giao dịch mua bán đều có sẵn, chỉ cần giao dịch thành công là chị em sẽ có được lợi nhuận mà không phải lo lắng về cơ sở hạ tầng như kho hàng, cửa hiệu, tủ trưng bày v.v.

CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp hậu Covid-19 - Ảnh 4.

Còn với WEHome Cafe, chỉ cần có 33,5 triệu đồng, các chị em có thể làm chủ. Chương trình Women Can Do sẽ chuyển giao xe cà phê, các thiết bị cơ bản để làm quán cà phê nhỏ. Nếu thiếu vốn, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, các chị em sẽ được vay và trả góp. Mô hình kinh doanh này có thể giúp các chị em hoàn vốn chỉ trong vòng 2,5 tháng. Quan trọng là khi tham gia, chị em sẽ được nhận toàn bộ các gói hỗ trợ bán hàng dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ, đào tạo tài chính cơ bản, hướng dẫn pha chế cho đến xử lý dữ liệu qua hệ thống máy POS bởi các chuyên gia TNI King Coffee.

CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp hậu Covid-19 - Ảnh 5.

Điều lớn hơn mà Women Can Do mang đến cho phụ nữ chính là cách vận hành của mô hình sẽ dạy cho chị em biết cách quản lý, làm chủ một doanh nghiệp ở tương lai gần nếu họ muốn, các kỹ năng quản lý tồn kho, quản lý tài chính, quản lý mối quan hệ, giao tiếp với khách hàng v.v.

"Trong thời điểm khó khăn như thế này, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ, với vai trò tay hòm chìa khóa của gia đình, càng cần tiếp thêm nghị lực. Tình yêu gia đình, con cái sẽ giúp người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh và bao dung trước mọi giông tố. Đó là nền tảng để phụ nữ thể hiện phẩm chất tuyệt đẹp của mình", bà Thảo chia sẻ.

Giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai mô hình tiệm tạp hoá và nhượng quyền quán cà phê nhỏ. Ở giai đoạn 2, App WE4.0 sẽ mở rộng các mặt hàng độc đáo, đặc biệt ưu tiên các nông sản Việt Nam để hàng hoá Việt Nam có cơ hội vươn ra thế giới. Đặc biệt, giai đoạn 3, WE4.0 sẽ nâng cấp để trở thành tiệm tạp hoá, gồm nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm có thể gọi là "thế giới phụ nữ", ở đó, chị em có thể vừa mua sắm, vừa kinh doanh, thanh toán, nghiên cứu, giao lưu học hỏi mà không cần đi đâu.  

Với mục tiêu và mô hình linh hoạt này, Women Can Do đang được triển khai để nhượng quyền ra toàn cầu, trước mắt là Philippines, Indonesia và một số nước Trung Đông...

"Hôm nay, chúng ta chỉ có thể ôm một con mèo, biết đâu ngày mai chúng ta sẽ biết cách điều khiển cả một con voi. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải bắt đầu đứng lên và tìm mèo để ôm, từng bước "step by step" đi lên" - bà Thảo bộc bạch.

 

Bà Thảo quan niệm, người phụ nữ phải vững thì mới lo được cho người khác. Bởi khi đó, họ sẽ tự tin, học hỏi, trau dồi kiến thức và bao dung cho bản thân và gia đình mình. "Đừng ngồi không, đừng dựa dẫm. Nếu trân quý bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc sống mà vũ trụ đem lại cho chúng ta để làm điều ý nghĩa, có ích thì chúng ta phải khuyến khích nhau, hãy tự mình làm việc bằng khả năng, tự bản thân mình làm cho mình có giá trị. Quan trọng hơn, với dự án Women Can Do, tôi mong muốn xây dựng được một cộng đồng mà ở đó, chị em phụ nữ giúp nhau, gắn bó cùng nhau đi lên chứ không đi lẻ một mình. Tạo ra giá trị cho phụ nữ chính là tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội" - bà Thảo chia sẻ.

Hệ sinh thái 4.0 Women Can Do là nơi mà những người phụ nữ cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và học tập từ nhau. Thông qua việc hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dự án sẽ giúp kết nối khoảng 18 triệu phụ nữ đang là hội viên tại 63 tỉnh thành khắp cả nước với mục tiêu hỗ trợ 100.000 người khởi nghiệp để có thể sớm gầy dựng được 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sau giai đoạn khủng hoảng dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế và nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội.