Có thể nói, Shark Tank là một đấu trường ưa thích của nhiều startup Việt Nam khi muốn gọi vốn, tuy nhiên, cứ không phải các shark "gật đầu" là bạn sẽ ngay lập tức có tiền, mà còn rất nhiều thứ phức tạp khác kéo theo sau đó mà bạn không ngờ tới.
Còn nhớ trong chương trình Shark Tank phát sóng tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Khỏe 53 tuổi – startup về công nghệ sấy nhiệt mặt trời đã may mắn nhận được "deal" 1 triệu USD tiền đầu tư của "cá mập" Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom.
"Tôi 50% cổ phần, anh 50% cổ phần và phải tìm được người kế vị trong 7 năm nữa vì anh cũng 53 tuổi rồi", Shark Việt khẳng định khi quyết định đầu tư 1 triệu USD chia theo giai đoạn, cụ thể là giai đoạn đầu tiên là 5 tỷ cho 50% cổ phần; 20 tỷ đồng cho 10 năm tiếp theo nếu đạt KPI.
"Sau khi làm tốt, tôi có thể nhượng hết. Chúng ta đi với nhau. Nếu vì kiếm lời, tôi có thể có nhiều nơi tạo ra nhiều lời hơn đi với anh", cá mập đến từ INTRACOM nói.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tức là sau 6 tháng, ông Khỏe vẫn chưa thỏa thuận được với nhà đầu tư Shark Việt do một vài yếu tố khác nhau trong quy mô hợp tác. Thế nên, thời gian giải ngân cho sự hợp tác này vẫn vô định.
Sở dĩ, Shark Tank được nhiều startup Việt ưu ái tham gia khi muốn gọi vốn hơn là đi chào các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài là bởi thời gian thẩm định nhanh, không phải giải trình bằng tiếng Anh và Shark nếu đã nhận lời thì không lo bị "quỵt"; tuy nhiên, theo ông Khoẻ nó cũng có những nhược điểm mà nếu chưa tham gia thì ít người ngờ đến, ví dụ thời gian giải trình quá nhanh đồng nghĩa với việc nếu mình chuẩn bị chưa tốt thì không có thời gian sửa chữa, vài chục phút không đủ để Shark và startup hiểu nhau một cách trọn vẹn – khiến nảy sinh những bất cập phía sau không ai muốn, như tình trạng ông Khỏe đang gặp phải.
Sau khi tham gia Shark Tank, ông có kinh nghiệm gì muốn nhắn gửi cho những người đến sau?
Tôi cảm thấy tự hào và biết ơn vì đã có cơ hội xuất hiện trên Shark Tank, nhưng chương trình cũng khiến cho tôi có rất nhiều hối tiếc.
Kinh nghiệm sâu sắc nhất mà tôi muốn nhắn gửi cho những bạn tham gia Shark Tank sau này, là hãy chuẩn bị kỹ càng nhất có thể. Như Shark Thái Văn Linh nói, các startup cần trình bày một cách rõ ràng về sản phẩm, khách hàng mục tiêu và chiến lược mở rộng thị trường.
Thật ra, tôi đã không làm tốt cả 3 mục này khi lên trình bày trên chương trình Shark Tank, do không có kinh nghiệm và chuẩn bị cũng khá gấp gáp.
Thế nên, trước khi tham gia Shark Tank, các startup nên tìm tới những người có kinh nghiệm nhờ họ tư vấn, đặc biệt là về vấn đề tài chính. Đồng thời, nếu được hãy làm thử một buổi demo gọi vốn như trên Shark Tank để người có chuyên môn nghe thử.
Hẳn là ông đã khá thất vọng sau chương trình?
Dù nhận được lời hứa đầu tư từ Shark Nguyễn Thanh Việt ở phút chót, nhưng thật ra tôi vẫn không vui lắm vì mục tiêu của tôi là ‘bán’ 25% nhưng phải chấp nhận ở mức 50%. Sau chương trình, tôi đã rất tiếc nuối vì đáng lẽ mình vẫn có thể làm tốt hơn. Những gì tôi thể hiện trên Shark Tank không tương xứng với tiềm lực to lớn của giải pháp sấy bằng nhiệt mặt trời nên không hấp dẫn được các Shark có mặt trong chương trình.
Những nhận xét của Shark Linh khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, vì tôi đã không trình bày một cách rõ ràng – hấp dẫn – chính xác về sản phẩm, khách hàng mục tiêu và chiến lược mở rộng thị trường, khiến bà ấy nghi ngờ về tiềm lực của công ty tôi - CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời.
Thế nên, sau khi quay xong và trước khi chương trình được lên sóng, thấy tôi im ắng không có vẻ gì là vui mừng, bạn bè cứ nghĩ tôi thất bại và không được Shark nào đầu tư. Sau khi phát sóng một thời gian dài, thỉnh thoảng tôi vẫn tự trách bản thân vì mình đã không làm tốt trên Shark Tank.
Khi đến tham gia chương trình Shark Tank, hẳn ông đã nhắm vào một hoặc hai Shark nào đó?
Đúng vậy, người mà tôi kỳ vọng được hợp tác nữa là Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ CENGROUP - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế kỷ CENINVEST.
Như chị biết, công nghệ sấy bằng nhiệt mặt trời của tôi, ngoài sấy bún – miến – bánh tráng, còn một công dụng mà tôi cho rằng sẽ mang lại rất nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư bất động sản: làm khô quần áo.
Hiện tôi đã sản xuất thành công tủ áo thông minh vận hành theo nguyên lý sấy bằng nhiệt mặt trời nhỏ gọn, có thể tích hợp trong các căn hộ chung cư, giúp chủ hộ có thể làm khô nhanh áo quần với chi phí phù hợp. Chỉ mất chưa đến 10 ngàn đồng, tủ thông minh này có thể làm khô khoảng 10kg áo quần và định vị của nó là hàng nội thất chứ không phải tủ sấy.
Tôi nhắm tới Shark Hưng là muốn sản phẩm của mình nhanh chóng được triển khai ra thị trường qua hệ thống nhà chung cư của CENGROUP, đồng thời dựa vào uy tín của CENGROUP, có thể chinh phục được các nhà đầu tư bất động sản lớn khác trên thị trường Việt Nam cũng như khu vực.
Nhưng rất tiếc là tôi đã không làm tốt đủ để gây ấn tượng với Shark Hưng và chỉ có Shark Việt là muốn đồng hành cùng tôi.
Vậy quá trình hợp tác giữa ông và Shark Nguyễn Thanh Việt đến đâu rồi?
Chúng tôi đã qua được vòng làm quen và tìm hiểu nhau, Shark Việt đã bay vào miền Nam đi thăm các công trình, cơ sở cũng như nhân sự của Công ty Nhiệt Mặt Trời và tôi cũng đã bay ra Hà Nội, đến trụ sở INTRACOM thăm cơ ngơi của Shark Việt, làm quen với các cộng sự của Shark.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Shark Việt và các đồng sự chỉ muốn góp vốn khoảng 5 đến 6 tỷ trong giai đoạn đầu, nhưng tôi muốn ít nhất Shark cũng phải góp gấp đôi, khoảng trên 10 tỷ.
Nguyên nhân khiến tôi muốn lên Shark Tank gọi vốn là cần có tiền đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng như mô hình sản phẩm mẫu, chứ không phải để có vốn làm các công trình.
Hiện tại, khi thực hiện các công trình từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng, khách hàng luôn ứng trước cho tôi khoảng 50%, nên không có các nhà đầu tư, doanh nghiệp của tôi vẫn sống tốt!
Tôi muốn có các hệ thống mẫu để thuyết phục khách hàng nhanh hơn qua thực tế vận hành của sản phẩm, chứ không phải nói miệng hoặc mang họ tới các khách hàng cũ xa xôi. Tôi vẫn đang tìm khách hàng đồng ý làm hệ thống sấy trái cây và dược liệu bằng nhiệt mặt trời, nhưng chưa ai đồng ý hoặc muốn tôi phải làm thành công họ mới đưa tiền. Nếu tôi có công trình mẫu trong nhà xưởng có lẽ mọi chuyện đã dễ dàng hơn.
Tiền mua đất bây giờ đã tốn khoảng vài tỷ, tiền làm một hệ thống mẫu cũng vài tỷ; nếu Shark Việt rót khoảng 5 đến 6 tỷ, tôi vẫn có thể thực hiện nhưng sẽ phải ‘cân đo đong đếm’ rất mệt mỏi, cũng như không thể có nhiều hệ thống sấy mẫu như tôi mong muốn.
Vậy ông có biết vì sao quá trình hợp tác giữa ông và Shark không được diễn ra nhanh chóng như dự định?
Tôi đoán, có thể Shark Việt đã có chút hiểu lầm về sản phẩm của tôi khi nghe tôi trình bày trong chương trình. Vì nghĩ công nghệ nhiệt mặt trời của tôi chính là biến mặt trời thành điện năng, giống như lĩnh vực mà INTRACOM đầu tư nên Shark Việt mới xuống tiền, nhưng thực ra sản phẩm của tôi chủ yếu biến năng lượng mặt trời thành nhiệt để sấy khô các loại nông sản – thực phẩm.
Tôi từng nói với Shark Việt là: anh đầu tư vào Nhiệt Mặt Trời đồng nghĩa với đầu tư cho cộng đồng, vì năng lượng mặt trời là năng lượng xanh nhất trên trái đất.
Sau vài lần thương lượng với Shark Việt, tôi đã đưa cho Shark và cộng sự bản dự toán về khoảng đầu tư một nửa tỷ USD, còn kết qủa như thế nào đành đợi sự quyết định từ Shark. Nhận tiền của Shark quả không dễ!
Cảm ơn ông!
Theo cafebiz