Với đặc thù đô thị sinh thái, sông nước, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN). Thực tế thời gian qua, DLNN đóng góp không nhỏ cho tổng doanh thu của ngành Du lịch thành phố. Việc quy hoạch, phát triển DLNN một cách căn cơ, bền vững được lãnh đạo thành phố và ngành chức năng quan tâm, với mong muốn vừa góp phần phát triển du lịch, vừa quảng bá nét đẹp văn hóa đặc trưng của Cần Thơ đến với du khách trong và ngoài nước.
Du lịch nông nghiệp ở đô thị là xu hướng nhiều đơn vị đang khai thác tại Cần Thơ. Trong ảnh, vườn dưa tại Cần Thơ Farm. (Ảnh: Ái Lam).
Theo Đề án phát triển "Du lịch nông nghiệp", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) TP Cần Thơ là đơn vị chủ trì, phối hợp các sở ngành có liên quan và UBND các quận, huyện thực hiện đề án hiệu quả.
Nội dung của đề án là khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ…Trên cơ sở khảo sát thực tế, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp; đồng thời có những tham mưu, đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển.
Ðánh thức tiềm năng phát triển "Du lịch nông nghiệp"
Theo các chuyên gia du lịch, việc đầu tư và khai thác du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng. Có người ví du lịch nông nghiệp ĐBSCL là "mỏ vàng" chưa khai thác. Năm 2018, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh An Giang và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018” tại TP Long Xuyên. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, mức độ phát triển du lịch ở ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp nên chưa khai thác triệt để lợi thế sông nước, nông nghiệp, nông thôn miệt vườn, đặc biệt còn xem nhẹ vai trò hợp tác liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng.
Theo ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới phát triển du lịch nông nghiệp và tổ chức rất bài bản, đem lại thu nhập cao cho nông dân. ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này vì đây là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt cả 4 mùa, đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp, có nhiều sông ngòi, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo tồn, dồi dào thực phẩm tươi ngon.
Tuy nhiên, ông Huê cũng chia sẻ: “ĐBSCL hiện chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Khách du lịch lữ hành đi tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình, bạn bè. Khách này dành nhiều thời gian cho việc tham gia trải nghiệm các hoạt động hơn là nghe thuyết minh nên dịch vụ phải được tổ chức khác biệt… Khách mua tour trải nghiệm ở ngoài đồng, chứ không mua ruộng lúa; khách mua tour trên sông chứ không mua sông; muốn bán được dịch vụ tắm nắng phải có hồ bơi. Vì vậy, cần phát triển sản phẩm thì mới thu hút được khách du lịch”.
Cần Thơ có nhiều thế mạnh để phát triển mô hình "Du lịch nông nghiệp"
Cần Thơ tuy là trung tâm ĐBSCL, là đô thị miền sông nước, nhưng có nhiều thế mạnh du lịch nông nghiệp. Hiện nay, Cần Thơ có trên 25 điểm miệt vườn homestay; trong đó, có hơn 2/3 điểm tập trung tại huyện Phong Điền và quận Cái Răng, là địa phương có nhiều vườn cây ăn trái và sản vật để tạo nên sản phẩm du lịch nông nghiệp. Du khách đến đây được tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làm vườn, làm ruộng, trồng rau, giăng lưới, tát mương bắt cá, thưởng thức bánh dân gian, đạp xe khám phá làng quê, cuộc sống người dân sông nước miệt vườn…, và ăn nghỉ ở nhà vườn.
Theo thống kê, TP Cần Thơ hiện có hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi hệ thống sông, rạch chằng chịt, là tài nguyên phong phú cho DLNN. Thực tế thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều điểm nhà vườn làm du lịch, nổi bật ở huyện Phong Ðiền, quận Bình Thủy, quận Cái Răng và quận Thốt Nốt.
Một vài địa điểm du lịch nông nghiệp tiêu biểu ở Cần Thơ, như: Đến vườn ca cao Mười Cương (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), du khách được tham quan vườn ca cao, trải nghiệm các khâu thu hoạch, chế biến trái ca cao và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Du khách đến Út Hiên (phường Ba Láng, quận Cái Răng), sẽ được sắm vai “Anh Hai Nam Bộ” đi trồng rau màu, chăm sóc vườn cây, chèo xuồng giăng lưới, tát ao bắt cá. Hay đến Hưng (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) trải nghiệm vườn cây ăn trái, vườn rau sạch… cùng gia chủ chế biến các món ăn chả giò, bánh xèo, bánh đúc.
Làng du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) là một trong những điểm du lịch miệt vườn Cần Thơ nổi tiếng từ lâu nay thu hút nhiều du khách cũng từ du lịch nông nghiệp. Ông Phạm Minh Sáng - Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Làng du lịch Mỹ Khánh có nhiều hoạt động trải nghiệm nhưng “ăn khách” nhất là 1 ngày làm điền chủ, 1 ngày làm nông dân. Du khách trong nước thì thích làm điền chủ có kẻ hầu người hạ, còn du khách nước ngoài thích làm nông dân để được làm vườn, hái rau quả, tát nước bắt cá…”.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ: Là cơ quan được giao lập Ðề án “Phát triển DLNN trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp các ngành tiến hành đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển DLNN của TP Cần Thơ. Trên cơ sở đó, khảo sát, đề xuất mô hình DLNN phù hợp; đồng thời, đề xuất các chính sách, giải pháp và kế hoạch phát triển DLNN. Mục tiêu khi thực hiện đề án là DLNN tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành Du lịch phù hợp tình hình mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Du lịch nông nghiệp - Cầu nối hội nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch, có thể hiểu du lịch nông nghiệp là hoạt động thương mại tại các trang trại hoặc nơi sản xuất nông nghiệp hướng đến việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho du khách và tạo thêm thu nhập cho chủ sở hữu. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho nông dân. Du lịch nông nghiệp chính là “át chủ bài” của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chống khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kiến trúc, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông, tiểu thương làm du lịch, …
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là tìm về với thiên nhiên, trong đó DLNN sẽ là chủ đạo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành 3 mô hình chính trong làm du lịch gắn với nông nghiệp là DLNN dành cho khách tham quan trong ngày, DLNN dành cho khách tham quan và lưu trú, mô hình khu nghỉ dưỡng nhỏ gắn với hoạt động nông nghiệp. Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch ở Cần Thơ đang khai thác DLNN như là một “cú hích” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch cho rằng, phát triển DLNN gắn với loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm đặc trưng địa phương, có ý nghĩa nhiều mặt như tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Ðây cũng là cầu nối để quảng bá, hội nhập văn hóa qua con đường du lịch. Với kinh nghiệm thực hiện Dự án “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại TP Cần Thơ”, PGS.TS. Ðào Ngọc Cảnh (Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng, tác động này là quá trình diễn ra hai chiều: Một mặt là kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh địa phương và đất nước ra thế giới; mặt khác, du lịch thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế thông qua giao tiếp và nắm bắt tâm lý, thị hiếu của du khách trong quá trình phục vụ du lịch.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang chủ trương tiến hành đổi mới nông thôn tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống. Du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới. Giúp tốc độ nhanh, bền vững,.. Do đó, du lịch nông nghiệp không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.
Ý nghĩa của du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp (tiếng Anh: Agritourism) là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Du lịch nông nghiệp này giúp khách du lịch có những trải nghiệm có một không hai, không thể có ở một mô hình du lịch nào khác. Chính du khách được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, canh tác, thu hoạch, chăn nuôi của nông trại. Qua đó, họ được trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân thực thụ. Loại trải nghiệm này đặt biệt phù hợp với trẻ em, học sinh, sinh viên. Khi giúp các bạn nhỏ có thêm vốn sống, thấu hiểu giá trị của lao động,…
Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng đến cả những ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động, thực vật hoang dã… Chúng là những đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp cụ thể như một hộ gia đình, một trang trại, một hợp tác xã hay là một doanh nghiệp nông nghiệp…
Các chủ thể tham gia tổ chức du lịch nông nghiệp có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp... Tất cả họ đều có điểm chung là có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nên có thể gọi chung là nông dân.
Việc tham gia cùng người nông dân thu hoạch, gieo trồng, chăm sóc cây trồng trên đồng ruộng là dịp để du khách thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông từ những người nông dân trong hoạt động nông nghiệp.
Người nông dân thông qua du lịch nông nghiệp cũng được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch./.
Lập Nguyễn (tổng hợp)