Cần thận trọng khi giao dịch tiền ảo

00:00 12/10/2020

Hoạt động giao dịch tiền ảo, nổi lên là Bitcoin, từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 có diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân quan tâm và tham gia mua bán, đầu tư. Tuy chưa có đánh giá cụ thể về những hệ luỵ, song với những tín hiệu không khả quan về rủi ro đối với sự ổn định của thị trường tài chính, ổn định và trật tự xã hội, Chính phủ vừa phát đi cảnh báo người dân thận trọng khi giao dịch tiền ảo.

Việt Nam cũng như đa số các quốc gia khác không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia mình (Ảnh minh hoạ)

Phương tiện và hoạt động “đào” tiền ảo gia tăng chóng mặt

Theo thống kê, thế giới hiện có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành với tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo niêm yết giao dịch đến giữa tháng 6 năm 2018 lên đến 300 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm hơn 40% tổng giá trị vốn hóa (theo trang web quốc tế CoinMarrketCap.Com).

Không nằm ngoài xu thế này, tại Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 có diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân quan tâm và tham gia mua bán, đầu tư giao dịch, trong đó chủ yếu là Bitcoin. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, vào cuối tháng 11/2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ Châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Đặc biệt, số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới, như: Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap… luôn nằm trong Top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản…

Qua hoạt động theo dõi, nắm bắt tình hình, các cơ quan chức năng Việt Nam nhận định, phần lớn giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi - bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam từ lượng Bitcoin/các tiền mã hóa khác (Ethereum, LiteCoin....) có được do mua bán trao tay hoặc từ hoạt động “đào” (khai thác) tiền ảo dựa trên các hệ thống máy tính chuyên dụng, cấu hình cao nhập khẩu.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua tăng khá cao, từ năm 2017 đến nay đã có đến 15.600 máy “đào” tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam. Đáng chú ý là tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo được cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

Người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch

Về cơ bản đến nay tại nước ta chưa có thống kê, đánh giá cụ thể về những tác động/hệ luỵ của hoạt động “đào” tiền ảo, song nhiều lo ngại liên quan đến an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội đã và đang làm “nóng” dư luận. Đây cũng là một trong những nội dung được các cử tri chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Trả lời cử tri, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bitcoin và các tiền mã hóa tương tự (tiền ảo) hoạt động phân tán, có tính ẩn danh cao, không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát, phát hành. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam cũng như đa số các quốc gia khác không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia mình. Tiền ảo là một hiện tượng, vấn đề rất mới, các quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam chưa có.

Do đó, để người dân hiểu thực chất về rủi ro khi tham gia đầu tư vào các loại tiền ảo, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai một số công việc, biện pháp giúp người dân hiểu, thận trọng và cảnh giác khi tham gia đầu tư, giao dịch mua, bán tiền ảo, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo.

Cụ thể, ngay từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức trước những rủi ro, nguy cơ đối với việc tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo. Tiếp đó, cuối tháng 10/2017- thời điểm tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu sốt nóng trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam -  Ngân hàng Nhà nước đã tái khẳng định quan điểm rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 21/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” (Đề án 1255), trong đó đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, thời gian hoàn thành là trong năm 2018.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường Việt Nam, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.

Triển khai thực hiện Chỉ thị này, ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành rà soát khung khổ pháp lý hiện hành, đánh giá tổng thể thực trạng tiền điện tử tại Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực trạng trong nước và tham khảo kinh nghiệm thực tiễn, thông lệ quốc tế, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và hoàn thiện báo cáo rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về tiền điện tử, trong đó làm rõ khái niệm, bản chất, hình thái biểu hiện của tiền điện tử, đối tượng quản lý cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp giúp quản lý hoạt động, cung ứng, phát hành, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2018).

Tại công văn số 5484/VPCP-KTTH ngày 9/6/2018, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.



Hoàng Châu