Cần phải tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp không ngại thành lập

14:21 05/06/2023

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký đều giảm mạnh so với tháng 4.2023.

Trong tháng 5.2023, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 103,7 nghìn tỉ đồng, số lao động đăng ký là 74.600 lao động.

Qua đó, ghi nhận mức giảm 24,2% về số doanh nghiệp, giảm 32,9% về vốn đăng ký và giảm 37,4% về số lao động so với tháng 4.2023.

Trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp, số doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh lại có xu hướng tăng lên. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,3% so với cùng kỳ 2022); 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 34,1%); 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, (tăng 6,5%). Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21.4.2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết được đánh giá sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành cũng là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng, qua đó đưa nền kinh tế có thể tăng trưởng trong tương lai cùng với các chính sách tài khóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, phải sử dụng chính sách tài khóa mở rộng: giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, tăng cường giải ngân đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác.

TS Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhìn nhận, Chính phủ đã sát cánh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất quan trọng và cần chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái này.

PGS.TS Bùi Văn Vần - nguyên Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính) phân tích, số doanh nghiệp thành lập còn ít là do các đơn vị thiếu động lực để thành lập doanh nghiệp mới. Để phát triển số doanh nghiệp mới, Nhà nước cần tạo ra các động lực đủ mạnh thu hút các đơn vị thành lập và duy trì mô hình doanh nghiệp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lí rủi ro.

Nhân Hà Phan (Tổng hợp)