Cần phải loại bỏ những quy định cản trở doanh nghiệp phát triển

23:21 15/05/2023

Hà Nội sẽ kiên quyết loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn lại chặng đường 5 năm 2018-2023, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội khóa V- Đỗ Quang Hiển khái quát, Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc vai trò tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau tạo sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội; là cầu nối cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hội viên thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập và phát triển. Trong đó, hội viên là khách hàng, là đối tác và cũng là nhà đầu tư chiến lược của nhau.

Trong 5 năm, Hiệp hội đã tổng hợp những vướng mắc, khó khăn của 150 doanh nghiệp, mời 300 doanh nghiệp cùng tham dự các hội nghị của UBND thành phố Hà Nội, các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chủ trì. Tại các cuộc họp, Hiệp hội đã đề xuất nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đó có 45 nội dung kiến nghị trở thành chính sách thiết thực đối với doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội khóa V Đỗ Quang Hiển
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội khóa V- Đỗ Quang Hiển.

"Để vượt qua những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, 2 năm qua, Hiệp hội có nhiều giải pháp tài khóa thiết thực, từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công thương; triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khởi nghiệp, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực cùng các hoạt động kích cầu tiêu dùng, ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn Thủ đô", ông Đỗ Quang Hiển cho biết.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội hiện chiếm 97,2% số doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có đến 85-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Song chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường của khu vực doanh nghiệp này còn hạn chế. Hơn nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật.

Nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nền kinh tế hội nhập sâu thì những điểm yếu của doanh nghiệp càng bộc lộ rõ. Thậm chí, ngay cả những điểm vẫn coi là lợi thế của họ, như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí (chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ)... giờ không còn là lợi thế mà trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt.

Ngoài ra, thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường… là những thách thức lớn.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme thẳng thắn chỉ rõ, do địa bàn trong toàn Thành phố Hà Nội phân bố rộng rãi nên việc nắm bắt thông tin doanh nghiệp còn mang tính thủ công, chậm chạp, vì vậy công tác phản ánh các vướng mắc lên các sở ban ngành, Thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của nhà nước nhưng nhận thức của một số doanh nghiệp về pháp luật còn hạn chế, việc chấp hành quy định còn chưa nghiêm túc.

Việc tiếp cận vốn vay còn gặp khó khăn do điều kiện của ngân hàng và doanh nghiệp chưa đồng thuận. “Điệp khúc khó vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từ rất lâu chưa được giải quyết rốt ráo thì câu chuyện tín dụng với đối tượng “siêu nhỏ” này còn trở nên nan giải hơn bao giờ hết”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nhiệm kỳ 2023-2028 Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội khối giúp các doanh nghiệp gia tăng tiêu thụ hàng hóa của nhau, góp phần ổn định, từng bước phát triển sản xuất trong doanh nghiệp.

Đồng thời tăng cường tìm kiếm cơ hội giao thương, hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài do Thành phố tổ chức.

Đặc biệt, thúc đẩy công tác hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Mỗi quý một lần phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổ chức Diễn đàn kinh tế thủ đô (CEF) và Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như đưa ra kiến nghị, đề xuất những nội dung còn bất cập với Thành phố để báo cáo các Bộ ngành điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp.

Mỗi năm tổ chức 8-10 lớp đào tạo, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp và hội viên về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách về thuế, lao động tiền lương, các khóa đào tạo chuyên đề CEO, CFO, đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp - thực hiện Cách mạng 4.0, phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố…

Cam kết đồng hành, nỗ lực cùng Hanoisme, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Thành phố sẽ kiên quyết loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng...

Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hướng tới đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với trọng tâm chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đồng thời triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

P.V (t/h)