Đó là một phần trong nội dung Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa gửi UBND thành phố và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương kiến nghị góp ý để hoàn thành báo cáo kéo dài Metro số 1. Việc này thực hiện theo kết luận tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo các địa phương hồi tháng 5.
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM. Tuyến có tổng chiều dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức). Theo phương án đưa ra, Metro số 1 từ ga bến xe Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới) sẽ được xây dựng thêm đoạn đi trên cao bên phải quốc lộ 1, sau đó rẽ trái nối ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn (Bình Dương).
Ở khu vực trên, tuyến metro chia làm hai nhánh. Một nhánh dài 18,3 km đi trên cao tới tỉnh Đồng Nai, nối các điểm như ngã ba Vũng Tàu, chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Nhánh còn lại đi Bình Dương dài gần 30 km, xây trên cao. Từ ga S0, tuyến chạy qua nút giao Bình Chuẩn, sau đó nối đến Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, TP Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một).
Tổng kinh phí hơn 86.000 tỷ đồng được dùng cho bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng; chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn, dự phòng, trượt giá... Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện dự án. Trong đó, giai đoạn 1 của tuyến từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga S0, kinh phí gần 3.000 tỷ đồng do TP HCM chủ trì thực hiện. Đoạn 2 tuyến từ ga S0 nối dài lên tỉnh Bình Dương, vốn đầu tư hơn 51.700 tỷ đồng do tỉnh Bình Dương chủ trì triển khai và đoạn 3 tuyến từ ga S0 nối dài lên Đồng Nai, kinh phí trên 31.400 tỷ đồng do Đồng Nai chủ trì thực hiện.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến. Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Hiệp Phước.
P.V (t/h)