Nữ y tá đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội Weibo: “Thật không may, một bé 4 tuổi đã bị nhiễm Covid. Không có bố mẹ đi cùng, bé phải cách ly một mình”. “Trái tim tôi đau nhói, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi”, bình luận của một cư dân mạng đã thu hút hàng trăm triệu người đồng cảm.
Đoạn video em bé đi cách ly một mình như một lời nhắc nhở sâu sắc về cái giá phải trả đối với chính sách Zero Covid từng được đánh giá cao của Trung Quốc, cũng chính chiến lược này nhiều lần giúp cường quốc thứ hai thế giới dập tắt nhiều đợt bùng phát. Mỗi đợt truy vết, toàn bộ các khu vực đều bị phong tỏa, kiểm tra, xét nghiệm hàng triệu cư dân nhanh chóng trong vài ngày, cách ly thần tốc những người bị bệnh và tiếp xúc gần.
Lần này, những biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng với học sinh. Ở Phủ Điền, 57 trong số 129 trường hợp được báo cáo gần đây là trẻ dưới 12 tuổi. Nhằm ngăn ngừa lây nhiễm lan rộng, trẻ em bị nhiễm bệnh ở độ tuổi mẫu giáo phải tách khỏi cha mẹ và đưa vào bệnh viện cách ly. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, chính quyền thành phố cho biết nếu một đứa trẻ và cha mẹ đều bị nhiễm bệnh, bệnh viện sẽ cố gắng sắp xếp ở cùng một khu. Ban đầu, một số trẻ tiếp xúc gần với nguồn bệnh nhưng xét nghiệm âm tính cũng bị cách ly khỏi cha mẹ. Chính sách này sau đó được nới lỏng. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép ở cùng cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, trẻ đã có kết quả dương tính buộc phải cách ly một mình.
Zhu Xiaqing, y tá quay đoạn video trên trả lời tờ báo địa phương, đôi mắt cô đẫm nước mắt khi nhìn chứng kiến một chiếc xe cấp cứu chở toàn là trẻ em, tất cả đều kín mít trong bộ bảo hộ. Xe đến muộn do một số trẻ không chịu rời nhà và khóc liên tục trước khi di chuyển. Khi đến nơi, các em phải tự xếp hàng đợi chụp CT. Một số trẻ còn quá nhỏ à các bác sĩ đã phải bế em lên. Zhu nghẹn ngào: “Nhìn thấy những đứa trẻ một mình, không có cha mẹ ở bên, chúng xa lạ với mọi thứ xung quanh và sợ hãi. Lúc đó tôi thật sự rất đau lòng”.
Trên Weibo, một số người dùng đặt câu hỏi tại sao những đứa trẻ này không thể đi cùng với cha mẹ. Những người khác chỉ ra rằng cha mẹ có khả năng bị cách ly tập trung ở các cơ sở khác vì những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Jin Dongyan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “Trẻ em lẽ ra không cần phải trải qua các biện pháp cách ly khắc nghiệt như vậy. Đây là cái giá phải trả cho phương pháp không khoan nhượng với Covid”.
Do đó, các biện pháp nghiêm ngặt đã phải chịu làn sóng phẫn nộ từ dư luận những tháng gần đây. Tháng 6, hàng trăm cư dân ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, đã biểu tình phản đối nhiều tuần đóng cửa kéo dài tại các khu vực lân cận. Đoạn phim về cuộc biểu tình nhanh chóng lan truyền, trên mạng xã hội nhiều người chỉ trích hoặc đặt câu hỏi về chính sách Zero Covid đã “bóp nghẹt” cuộc sống như thế nào.
Tuy nhiên, nhìn chung, cách tiếp cận này vẫn nhận được ủng hộ rộng rãi của công chúng trong nước. Đa số đã quen với những hạn chế về lợi ích và vẫn lo sợ về virus do truyền thông trong nước không ngừng đưa tin về Covid-19 ở nước ngoài. Theo Jin, thành công của cách tiếp cận nghiêm ngặt một phần được xây dựng dựa trên nỗi sợ hãi của công chúng. Đây không phải là cách làm lý tưởng. Cách chính xác là nói cho công chúng biết sự thật (về sự cần thiết phải cùng tồn tại với virus), đó là cách bền vững duy nhất trong tương lai”. Trên khắp thế giới, danh sách các quốc gia quyết định sống chung với Covid sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng ngày càng được mở rộng. Những nước như Úc, Singapore cũng chuyển đổi từ chiến lược Zero Covid sang học cách sống cùng virus.
Hôm thứ Năm, Trung Quốc cho biết nước này đã tiêm đầy đủ vắc xin cho khoảng 1 tỷ người, chiếm 71% trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này. Tỷ lệ tiêm chủng cao hơn so với nhiều nước đã mở cửa biên giới, bao gồm Vương quốc Anh (64,8%) và Hoa Kỳ (53,4%).
Jin chỉ ra các nhà chức trách đang lo lắng về hiệu quả của vắc xin. Các quan chức Trung Quốc tiết lộ rằng, một số trường hợp đầu tiên trong đợt bùng phát ở Delta trước đây đã được tiêm phòng đầy đủ. Ông nói: “Họ lo ngại khả năng miễn dịch xã hội không đủ mạnh”. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc hiện đang cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ làm việc tại biên giới, hải quan, cơ sở kiểm dịch, bệnh viện và ngành hàng không, nhưng vẫn còn phải xem tác dụng của mũi tiêm bổ sung đó sẽ kéo dài bao lâu.
Trong thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục chiến lược không khoan nhượng, đồng thời cố gắng tăng cường miễn dịch cộng đồng nhưng theo giới chuyên gia nhận định, cuối cùng nước này sẽ cần phải học cách sống chung với Covid. “Điều này có thể tiếp diễn trong một hoặc hai năm nữa nhưng Trung Quốc không thể đóng cửa mãi mãi”, Jin chia sẻ.Tại bệnh viện cách ly ở Phủ Điền, các nhân viên y tế đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để an ủi những đứa trẻ bị bệnh. Họ trang trí các khu biệt lập và hành lang bằng các bức tranh hoạt hình, mang đến một ít sách, đồ chơi và văn phòng phẩm dành cho trẻ em. Các y tá cũng chăm sóc nhu cầu hàng ngày cũng như trò chuyện với bọn trẻ.
TL