Các hãng hàng không Việt Nam đang đứng bên bờ vực phá sản

16:47 16/06/2021

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, hàng không đang là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã lỗ trên 18.000 tỷ đồng, doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Theo đó, Covid-19 khiến nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh 34,5- 65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Bộ dự báo, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Nếu Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024, ngành mới có thể phục hồi như trước khi có dịch.

Báo cáo của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy, dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. 

Cảnh vắng vẻ ở sân bay Tân Sơn Nhất thời Covid-19
Cảnh vắng vẻ ở sân bay Tân Sơn Nhất thời Covid-19. (Ảnh: PV)

Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn ở các ngân hàng.

Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh.. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 4% trong năm 2021 - 2023 cho các hãng. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm 2021.

Được biết trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, hàng không Việt có thể lỗ tới 15.000 tỷ trong năm 2021. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tín dụng.

ĐT (TH)