Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam làm chủ công nghệ, sẵn sàng hội nhập kinh tế số

15:48 15/03/2023

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kì 2023-2028, ThS. Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) tham luận về chủ đề Chuyển đổi số với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ảnh minh họa
ThS. Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam

Trong làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), chuyển đổi số vẫn luôn là từ khóa được nhắc đến liên tục tại các diễn đàn kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực hậu COVID-19 cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu, Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là chiến lược then chốt để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi và phát triển bền vững.

Những thách thức khi suy thoái kinh tế thế giới đang ngày một hiện hữu

Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra cảnh báo, nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023 đã tăng lên khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu khi rủi ro, làm suy giảm khả năng tăng trưởng. Mặc dù nền kinh tế thế giới ghi nhận sự phục hồi đáng kế trong năm 2021, nhưng không thể cứu vãn những diễn biến phức tạp và ngày càng ảm đạm trong năm 2022, GDP thế giới đã giảm trong quý II/2022 do giảm tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế phát triển.

Rủi ro làm giảm tăng trưởng đang dần trở thành hiện thực, khi lạm phát cao trên toàn thế giới, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, làm cho điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt mạnh mẽ. Xu hướng này có thể dẫn đến một loạt cuộc khủng hoảng tài chính giữa các nền kinh tế đang phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, vượt khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh, chặng đường tăng trưởng và phục hồi của doanh nghiệp Việt ngày càng khó khăn hơn.

Kinh tế Việt Nam vừa vượt qua khó khăn, thách thức sau gần ba năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì lại đối mặt với những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Với đặc thù là nền kinh tế mở ở mức rất cao, lên tới 200% so với GDP, các doanh nghiệp của Việt Nam đang nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành sản xuất trên thế giới cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt, một số Ngân hàng mất khả năng thanh khoản, rút lại tín dụng dẫn đến các doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường vốn; lãi suất tăng, tăng chi phí vốn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Điều này vừa làm giảm nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế vừa giảm việc thu hút lao động dẫn tới thất nghiệp sẽ có xu hướng gia tăng.

Theo kết quả khảo sát gần đây từ Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 5 khó khăn mà cộng đồng DN VNR500 đang gặp phải, gồm: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; Cạnh tranh giữa các DN cùng ngành; Rủi ro từ chuỗi cung ứng; Sức ép đến từ tỷ giá gia tăng và Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm. Khi Việt Nam mở cửa kinh tế hậu Covid-19 cuối năm 2021, nhiều DN tin rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện trong quý II/2022. Song, các bất ổn chính trị thế giới mới nảy sinh cũng như chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc khiến 77,9% DN lo ngại về rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng, có thể kéo dài sang năm 2023 và cả sau đó. Bên cạnh đó, những lo ngại về chính trị, sự bất ổn về tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới cộng đồng DN Việt. Có đến 70% DN được khảo sát cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá tăng và gần 60% số DN đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.

Giải pháp biến thách thức thành cơ hội

Có thể thấy, năm 2023 là năm bản lề để Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới, khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội để tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia tham gia hội nhập sâu rộng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực. Do đó, muốn nắm bắt được những cơ hội hội nhập mang lại thì DN phải nhanh chóng tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số (CĐS) vào sản xuất kinh doanh (SXKD), hướng đến nền SXKD thông minh để chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ thực tế đó, nhiều DNNVV Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số. Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có tới hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và 65% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số. Điều này đã cho thấy nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ và tinh thần chuyển mình theo xu thế của các DNNVV (SMEs) Việt Nam. Đây chính là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện lại chính mình. Thay đổi, tái cấu trúc, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp vươn lên và từng bước khẳng định được vị thế.

Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cùng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số. Trong đó phải kể đến Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nêu rõ các chính sách hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số.

Các chính sách được ban hành và triển khai cơ bản đã theo sát yêu cầu thực tế ngắn hạn, đồng thời cũng có tính chiến lược giúp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được với các đề án chính sách và áp dụng thành công vẫn là con số ít ỏi so với con số hơn 800.000 DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Viện khoa học quản trị nhỏ và vừa Việt Nam làm việc với Cục thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công thương năm 2020

Đại bộ phận SMEs Việt Nam vẫn đang loay hoay chuyển đổi số - nhưng đó là xu thế, là yêu cầu các DN phải thực hiện để phát triển

Dù được đánh giá là xu thế tất yếu, tuy nhiên quá trình triển khai Chuyển đổi số tại các DNNVV vẫn còn nhiều thách thức, như khả năng tiếp cận với các chính sách thể chế hỗ trợ của chính phủ, nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp; hạn chế năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường…

Ngoài ra, ngay cả khi đã quyết định Chuyển đổi số, các DN còn đứng trước thách thức về việc triển khai, bắt đầu từ đâu, lộ trình như thế nào, cách thức áp dụng ra sao,... Qua đại dịch COVID-19, hầu hết tổ chức đều xác định Chuyển đổi số là bắt buộc nhưng điều quan trọng là làm thế nào để triển khai thành công, làm sao chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của DN. Sẽ không có một mô hình mẫu chung để thành công cho tất cả, do đó mỗi DN cần phải lựa chọn làm sao để thay đổi phù hợp cho từng công ty, làm sao tìm được đối tác có đủ năng lực, tin tưởng để cùng nhau “ngồi trên chiếc thuyền vươn ra biển lớn”.

Cần một hệ sinh thái công nghệ toàn diện hỗ trợ đồng hành cùng SMEs Việt Nam

Để khắc phục những khó khăn thách thức của SMEs Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế số, cộng đồng doanh nghiệp SMEs cần cùng nhau chung tay xây dựng hệ sinh thái công nghệ “make in Vietnam” hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho chính cộng đồng của mình, tập trung vào 05 nhóm trụ cột giải pháp chính:

- Chuyển đổi số chuỗi cung ứng

- Chuyển đổi số quản trị nhân sự: Tuyển dụng số, hội nhập số, đào tạo số, doanh nghiệp học tập - nhân sự phù hợp, năng suất cao.

- Chuyển đổi số quản trị vận hành doanh nghiệp

- Chuyển đổi số tài chính kế toán

- Chuyển đổi số hoạt động sản xuất

Chính các doanh nghiệp thành viên trong Cộng động SMEs Việt Nam sẽ hiểu rõ nhất đặc thù của doanh nghiệp mình là gì, doanh nghiệp mình đang cần gì, đưa ra bài toán sát với thực tiễn nhất, từ đó cùng nhau xây dựng giải pháp tháo gỡ bài toán và làm chủ hệ sinh thái. Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho SMEs sẽ được đóng gói phù hợp với từng loại hình công ty (thương mại, dịch vụ, sản xuất), từng quy mô doanh nghiệp và đặc thù của SME Việt Nam.

Để đưa các giải pháp đi vào thực tiễn trên quy mô rộng, Viện VIDEM kính đề xuất Thủ tướng chính phủ & các Bộ, ban, ngành liên quan tạo điều kiện pháp lý và cấp cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các license phục vụ công cuộc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hội viên, bao gồm:

- Các license về Fintech:

  + Hệ thống thanh toán

  + Sandbox fintech P2P Lending, giải quyết vấn đề kết nối vốn cho SMEs

- Các license về hạ tầng Công nghệ thông tin:

  + Chữ ký số

  + Hợp đồng điện tử

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ban ngành và sự chung tay quyết tâm của cộng đồng SMEs Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, “ngồi trên chiếc thuyền vươn ra biển lớn”.

ThS. Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng Viện VIDEM-Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam-

Chuyên gia tài chính doanh nghiệp