Hiện nay, tỉnh có 142 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó bao gồm 29 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 89%), 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 5%), và 8 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ (chiếm 6%). Về chủ thể, tỉnh có 68 chủ thể OCOP, trong đó có 15 công ty/doanh nghiệp (chiếm 22%), 25 hợp tác xã (chiếm 37%), 1 tổ hợp tác (chiếm 1%), và 27 hộ kinh doanh (chiếm 40%).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã mở rộng cơ sở và nâng cấp trang thiết bị sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của các chủ thể đạt 58,386 tỷ đồng, tạo việc làm cho 515 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện có 56 sản phẩm của 22 chủ thể đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: Big C, Co.opmart, Aeon, MEGA Market, và các sàn thương mại điện tử như voso.vn, Postmart, Lazada mall, Amazon, Alibaba. Ngoài ra, các sản phẩm cũng được liên kết với các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh.
Tuy nhiên, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đa phần có quy mô sản xuất nhỏ, gặp khó khăn về vùng nguyên liệu và khả năng mở rộng quy mô sản xuất. Việc áp dụng công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ chủ thể OCOP, từ việc nâng hạng sản phẩm đến mở rộng thị trường. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, TP. Cà Mau.
Kế hoạch hỗ trợ được tổ chức thực hiện qua 4 nội dung chính: hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại và kết nối giao thương; xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Ông Phan Hoàng Vũ cũng cho biết, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh triển khai Dự án “Đồng hành cùng Chương trình OCOP Cà Mau năm 2024” nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao năng lực thương mại và xây dựng thương hiệu cho các chủ thể OCOP.
Các nội dung của kế hoạch bao gồm hỗ trợ nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch marketing, phát triển kênh phân phối, hướng dẫn kỹ năng bán hàng và sử dụng công nghệ số. Đồng thời, sẽ hỗ trợ tư vấn và lập hồ sơ đánh giá nâng hạng sản phẩm, xây dựng nhận diện và câu chuyện thương hiệu.
Với những thay đổi và giải pháp hỗ trợ triển khai, Chương trình OCOP của Cà Mau được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới, phát triển bền vững và vươn xa hơn trong thời gian đến.
Ngọc Thư (Theo CMO)