Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình (Cà Mau), sản xuất nông nghiệp tại Thới Bình đã có những bước tiến đáng kể, với nhiều cánh đồng chuyển đổi sang sản xuất sạch, hữu cơ. Không chỉ nâng cao nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội phát triển mới.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, chia sẻ: "Chúng tôi đã tập trung hướng dẫn bà con trồng lúa hữu cơ và kêu gọi doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ. Trong năm 2023, tổng diện tích lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế tại huyện là 230 ha, trong đó có các HTX như Trí Lực, Kênh Ngang, và Thành Công. Năng suất trung bình đạt từ 4,8 đến 5,2 tấn/ha và được bao tiêu với giá cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với thị trường".
Năm 2024, huyện Thới Bình dự kiến thực hiện khoảng 20.000 ha lúa hữu cơ. Ðến nay, đã xuống giống được hơn 10.000 ha. |
Huyện cũng đã tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, với sự tham gia của doanh nghiệp trên diện tích hơn 1.000 ha mô hình lúa - tôm.
Năm 2023, Công ty TNHH Tôm chứng nhận Minh Phú đã phối hợp với các HTX Trí Lực và Đoàn Phát, triển khai vùng nuôi tôm đạt chứng nhận ASC (nuôi thuỷ sản có trách nhiệm) với diện tích khoảng 1.000 ha. Ngoài ra, hơn 600 ha nuôi tôm của 230 hộ dân tại xã Biển Bạch Đông cũng đã đạt chứng nhận BAP (thực hành nuôi thuỷ sản tốt nhất), mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường quốc tế.
Thới Bình đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn trong nuôi trồng thuỷ sản như SQF, GlobalGAP, ASC, BAP... giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, đặc biệt là ASC và BAP.
Ðược chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế mở ra cơ hội mới cho nông sản nói chung, con tôm sú nói riêng trong tiếp cận những thị trường lớn. |
Căn cứ vào quy hoạch phát triển nông nghiệp, huyện sẽ tiếp tục mở rộng các vùng nuôi trồng thuỷ sản sạch, hữu cơ, gắn liền với các sản phẩm chiến lược như tôm sú, tôm càng xanh, hướng tới xuất khẩu và phát triển bền vững.